Du lịch có thể hút 8,5 triệu du khách nước ngoài

Du lịch có thể hút 8,5 triệu du khách nước ngoài

Đến hết tháng 8/2014, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 5,5 triệu lượt, đây là tín hiệu khả quan để cả năm có thể thu hút khoảng 8,5 triệu lượt du khách nước ngoài, tăng gần 1 triệu lượt so với năm 2013.

Với con số này, tổng chi tiêu (xuất khẩu dịch vụ du lịch) sẽ đạt khoảng gần 8,1 tỷ USD, so với 7,53 tỷ USD đạt được trong năm 2013.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng khá cao (12,2%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến du lịch chiếm 60,4%, tiếp đến là khách về thăm thân nhân chiếm 17,2%, khách đến vì công việc chiếm 16,8%, đến vì mục đích khác chiếm 5,6%.

Về cơ cấu khách đến từ các nước và vùng lãnh thổ, khách Đức tăng 83,3%; Nga (27,1%), Tây Ban Nha (24,3%), Lào (21,5%), Campuchia (20,1%), Trung Quốc (17,2%), Anh (17,2%)... Tổng cộng có 14 nước và vùng lãnh thổ có số khách đạt trên 100.000 lượt người.

Trong cơ cấu chi tiêu bình quân 1 ngày của khách quốc tế đến Việt Nam, tỷ trọng thuê phòng (24,8%), ăn uống (24,3%), tham quan (6,7%), y tế (1,3%) tăng lên so với trước đây, nhưng tỷ trọng chi cho đi lại (22,3%), mua hàng hoá (13,6%), chi khác (7%) đã giảm xuống. Đáng lưu ý‎, chi mua hàng hoá (trong đó có hàng lưu niệm) giảm thì cần xem lại.

Tuy tăng trưởng khá cao, nhưng đã có dấu hiệu báo lượng khách nước ngoài tăng chậm lại so với cùng kỳ năm trước. “Mật độ” lượng khách so với bình quân dân số chưa đạt 10%, trong khi một số nước lên tới trên 100%, thậm chí trên 200%...

Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 7,53 tỷ USD chiếm tới 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Dù có trừ đi phần nhập khẩu dịch vụ du lịch (do người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) là 2,05 tỷ USD, thì xuất siêu dịch vụ du lịch năm 2013 cũng đạt 5,48 tỷ USD, bằng gần 3,2% GDP của cả nước trong cùng năm. Với đà tăng trưởng năm nay, du lịch sẽ tiếp tục là “ngành công nghiệp không khói” của Việt Nam.

Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam còn tạo hàng trăm nghìn công ăn việc làm cho người lao động ở trong nước, không chỉ ở các cửa khẩu, sân bay, các resort... mà cả ở vùng sông nước, vùng sâu, vùng xa, những điểm tham quan du lịch mới được phát hiện, khai thác...

Do vậy, để du lịch giữ được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, cần phải tăng cường bảo tồn, nâng cấp các di tích, danh lam thắng cảnh; cải thiện môi trường du lịch; tăng tính thân thiện giữa chủ và khách, giảm tình trạng chèo kéo, chặt chém đối với khách quốc tế.

Minh Ngọc

chính phủ