Ông Yun Hang Jin (KIS): Nửa cuối năm đà tăng VN-Index bị suy yếu nhưng có thể lên 650 điểm

Ông Yun Hang Jin (KIS): Nửa cuối năm đà tăng VN-Index bị suy yếu nhưng có thể lên 650 điểm

Tại buổi hội thảo “Thách thức và cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2014” do CTCK KIS Việt Nam tổ chức chiều 15/08, ông Yun Hang Jin - Giám Đốc khối thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities, Hàn Quốc - Diễn giả chính của buổi hội thảo nhìn nhận: “Đà tăng của VN-Index sẽ bị suy yếu trong 6 tháng cuối năm 2014 nhưng vẫn còn đủ lực để tăng lên mức trên dưới 650 điểm, tương ứng có thể tăng thêm 7-9%”.


Ông Yun Hang Jin đang trình bày tại buổi hội thảo

Ông Yun cho biết, VN-Index hiện tại đã vượt qua ngưỡng 600 điểm và theo nhìn nhận của CTCK KIS thì thị trường đang duy trì xu thế tăng điểm với những điểm nhấn như lực cầu giá rẻ gia tăng trở lại sau giai đoạn thị trường giảm mạnh, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục cho dấu hiệu cải thiện, kinh tế hồi phục.

Theo ông Yun, sức hấp dẫn từ cổ phiếu giá rẻ gần đây bị giảm xuống, giá vàng giảm khiến sức hấp dẫn của kênh đầu tư vàng tăng lên, các yếu tố trong và ngoài nước có phần tiêu cực so với nửa đầu năm,... Tất cả những điều này sẽ khiến đà tăng của VN-Index suy yếu.

Tuy nhiên, so với các thị trường trong khu vực, giá trị VN-Index vẫn hấp dẫn, lực mua của nhà đầu tư cá nhân còn khá mạnh, các chính sách nới lỏng tiếp tục được duy trì, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục tăng,… sẽ giúp VN-Index còn đủ lực để tăng lên mức trên dưới 650 điểm.

Ông Yun cũng phân tích thêm về một số nhân tố hỗ trợ:

Về lãi suất, ông cho rằng khả năng sẽ có thêm một lần điều chỉnh và lãi suất cho vay thị trường giảm xuống. Cung tiền sẽ được đẩy mạnh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12~14%.

Về Hiệp định TPP, đây sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiến thêm một bước mới, tuy nhiên theo ông khả năng đạt được thỏa thuận trong năm nay không cao. Ông cũng cho rằng nếu gia nhập TPP thành công, Việt Nam dự kiến được hưởng nhiều lợi hơn so với các quốc gia thành viên khác, đặc biệt là về dệt may, giày dép, cà phê…

Về khối ngoại, theo ông việc các chỉ báo tài chính cải thiện, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào (vốn đăng ký mới tăng thêm 6.85 tỷ USD) là yếu tố duy trì lực mua của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ông Yun cho rằng do áp lực về mặt giá trị đã tăng cao nên nếu không nới room sở hữu thì mức độ mua ròng của NĐTNN chỉ ở mức thấp.

Lượng cung chứng khoán 6 tháng cuối năm sẽ không mạnh. Mặc dù lượng IPO (dự kiến tăng gấp đôi), thoái vốn đầu tư ngoài ngành… có thể sẽ nhiều hơn nửa đầu năm nhưng do tình hình tín dụng gián tiếp (lãi suất, cơ chế cho vay…) và chính sách của Nhà nước sẽ làm áp lực cung hàng trên toàn thị trường trong nửa cuối năm giảm bớt so với nửa đầu năm.

Chi tiết về IPO ông cho rằng, rủi ro các đợt IPO lớn gây suy giảm lực cầu (do dòng tiền đầu tư bị đóng băng từ khi IPO đến khi niêm yết, các doanh nghiệp có thời hạn 1 năm) nên cung hàng trên thị trường chứng khoán không tăng ngay lập tức. Tiền lệ cho thấy trước các đợt IPO có quy mô lớn khoảng 1~3 tháng, VN-Index thường bị ảnh hưởng điều chỉnh giảm.

Lực mua của nhà đầu tư cá nhân vẫn còn khá mạnh nhờ vào chính sách nới lỏng tiền tệ, sức hấp dẫn đầu tư cổ phiếu, kỳ vọng thay đổi chính sách.

Việc các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả và tiến độ tái cơ cấu được đẩy mạnh sẽ trở thành động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, VN-Index khả năng sẽ còn đủ lực để tăng lên mức trên dưới 650 điểm, tương ứng tăng từ 7-9% trong 6 tháng cuối năm.

Duy Hoàng ghi