Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: HLA - CTCP Hữu Liên Á Châu

Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: HLA - CTCP Hữu Liên Á Châu

Do cổ phiếu này đang duy trì bên dưới SMA100 nên khả năng giảm mạnh vẫn còn khá cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể mua vào nếu giá test lại vùng đáy dài hạn 2,000 – 2,500, với quan điểm nhanh chóng bán ra nếu giá phá vỡ hoàn toàn vùng hỗ trợ này.

TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG

Dài hạn: Vùng đáy dài hạn đang hỗ trợ rất tốt. Vùng đáy cũ tháng 05/2014 (tương đương vùng 2,000 – 2,500) đã hỗ trợ rất tốt cho giá cổ phiếu CTCP Hữu Liên Á Châu (HOSE: HLA) trong các đợt giảm mạnh trong tháng 06/2014, tháng 07/2014… Nếu giá vẫn duy trì bên trên vùng này trong thời gian tới thì thì khả năng hồi phục sẽ tăng lên mức cao.

Phá vỡ SMA100. Kể từ sau khi phá vỡ SMA100 vào đầu tháng 04/2014, giá liên tục điều chỉnh sâu. Trong đợt phục hồi vào giữa tháng 07/2014, giá đã thoái lùi sau khi test lại SMA100 (tương đương 3,400 – 3,700). Vì vậy, độ vững chắc của ngưỡng kháng cự 6,800 – 7,000 này càng được củng cố.

Ngắn hạn: Những khoảng trống (Gaps) xuất hiện liên tiếp trong ngắn hạn cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang giằng co mạnh.

Fibonacci Retracement 23.6% sẽ đóng vai trò kháng cự mạnh. Ngưỡng Fibonacci Retracement 23.6% (tương đương vùng 3,200 – 3,400) sẽ đóng vai trò kháng cự mạnh nếu giá hồi phục trở lại trong thời gian tới.

Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci (dùng cho trung và dài hạn):

• Ngưỡng 0% : 2,200

• Ngưỡng 23.6% : 3,300

• Ngưỡng 38.2% : 4,000

• Ngưỡng 50.0% : 4,500

• Ngưỡng 61.8% : 5,100

• Ngưỡng 100.0%: 6,800

Chiến lược trading: Do cổ phiếu này đang duy trì bên dưới SMA100 nên khả năng giảm mạnh vẫn còn khá cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể mua vào nếu giá test lại vùng đáy dài hạn 2,000 – 2,500, với quan điểm nhanh chóng bán ra nếu giá phá vỡ hoàn toàn vùng hỗ trợ này.

MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý

Quý 3 năm tài chính 2014 tiếp tục báo lỗ, lũy kế 9 tháng lỗ nặng. Cụ thể, doanh thu quý 3 niên độ tài chính (NĐTC) 2013 - 2014 của HLA đạt gần 348 tỷ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ NĐTC 2012 - 2013. Tuy giá vốn hàng bán cũng giảm mạnh nhưng mức giảm 54.3% thấp hơn mức giảm của doanh thu nên lợi nhuận gộp âm 102.6 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính và hoạt động khác cũng đều lần lượt lỗ 22.1 tỷ đồng và 1.1 tỷ đồng khiến LNST quý 03 lỗ hơn 135 tỷ đồng, trong khi quý 03 NĐTC 2012 - 2013, công ty mẹ lời gần 6.5 tỷ đồng.

Đây là quý thứ 4 lỗ liên tiếp của HLA kể từ quý 04 NĐTC 2012 – 2013. Lũy kế 9 tháng NĐTC 2013-2014, HLA lỗ gần 413 tỷ đồng.

Lần đầu âm Vốn chủ sở hữu gần 105 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của HLA chốt tới ngày 30/06/2014 đã âm 104.6 tỷ đồng do LNST chưa phân phối âm 593.7 tỷ đồng, trong khi các khoản mục còn lại của Vốn chủ sở hữu là 489 tỷ đồng.

Tổng tài sản giảm mạnh. TTS tới quý 3 NĐTC 2013 - 2014 đạt 1,259.3 tỷ đồng, giảm hơn 42.3% so với cuối kỳ NĐTC 2012 – 2013, trong đó tài sản ngắn hạn giảm 43.9% đạt 940.6 tỷ đồng (chiếm 81% TTS), tài sản dài hạn giảm 34.7% còn 218 tỷ đồng.

Tài sản ngắn hạn tập trung nhiều nhất ở các khoản phải thu ngắn hạn 486.4 tỷ đồng (chiếm 51.7%) và hàng tồn kho 372.2 tỷ đồng (chiếm 39.6%).

Tích cực trả nợ nhưng nợ vay vẫn ở mức cao với gần 1,264 tỷ đồng. Khả năng trả nợ ngắn hạn “mịt mờ”. Nợ phải trả đã giảm 26%, trong đó nợ ngắn hạn giảm 26% còn 1,262 tỷ đồng và nợ dài hạn giảm 43.7% còn 1.7 tỷ đồng, cũng chính là khoản nợ vay dài hạn, trong khi nợ vay ngắn hạn của HLA là 789 tỷ đồng. Chưa xét cụ thể các tài sản có tính thanh khoản cao, chỉ với khoản nợ ngắn hạn lớn hơn cả TTS cho thấy khả năng trả nợ ngắn hạn của HLA gần như “mịt mờ”.

Theo BCTC NĐTC 2013 – 2014 của công ty mẹ, HLA nợ nhiều nhất ở các ngân hàng gồm Sacombank, BIDV, Nam Việt Bank (Quốc Dân - NCB), tiếp theo là MBB, ngân hàng First Commercial Bank, và ngân hàng Malayan Banking Berhad.

Tìm đủ cách để trả nợ. Trong các phương án mà HLA tính tới như đàm phán với ngân hàng để kéo dài thời hạn nợ, phát hành trái phiếu, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông với giá rẻ, thoái vốn toàn bộ các công ty con, bán tài sản, thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn để trả nợ thì ba phương án cuối là khả thi nhất đối với HLA trong giai đoạn này, vì các phương án còn lại đều gặp khó khăn.

HLA đã giải phóng dần hàng tồn kho trong 9 tháng NĐTC 2013 – 2014 để trả nợ, đến cuối quý 3 chỉ còn 372.2 tỷ đồng, giảm 56.4% so với cuối kỳ NĐTC 2012 – 2013. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng đã giảm 36% còn 480.4 tỷ đồng, tuy nhiên so với quý 2 đã tăng nhẹ 8%. Lượng tiền cuối quý 3 vì thế mà tăng 18.7% lên gần 70 tỷ đồng. HLA cũng đã lên kế hoạch thoái hết vốn khỏi Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên trong năm 2014.

Một phương án liên quan đến phát hành cổ phiếu mà một số doanh nghiệp áp dụng nhiều và thành công gần đây là phát hành cổ phiếu cho chủ nợ để cấn trừ nợ thì không thấy HLA đề cập.

Giao dịch và Định giá. Cổ phiếu HLA hiện đang giao dịch ở mức giá rất thấp, tuy nhiên thanh khoản khá cao với khối lượng trung bình phiên 52 tuần đạt 588 ngàn đơn vị; P/B và P/E lần lượt ở mức 0.36 lần và 1.21 lần.

HOSE cũng đã gửi công văn nhắc nhở HLA về nguy cơ bị hủy niêm yết sau khi ra KQKD quý 2 NĐTC 2013 – 2014. Theo quy định, chứng khoán sẽ bị hủy niêm yết trong trường hợp “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”. Như vậy, HLA có bị hủy niêm yết hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào KQKD quý 4. Điều này dường như là bài toán quá khó đối với HLA trong tình hình kinh tế cũng như thị trường thép còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Bảng: Kết quả kinh doanh và Chỉ số tài chính tóm tắt của HLA (Nguồn: VietstockFinance)

Phòng Nghiên cứu Vietstock