Sóng chứng khoán tháng 8: Đặc điểm và Kỳ vọng

Sóng chứng khoán tháng 8: Đặc điểm và Kỳ vọng

Trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đều biến động và điều chỉnh khá mạnh trong tháng 8 như là một đặc tính chu kỳ. Đây là tháng đặc biệt thích hợp đối với những nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng, thích đánh nhanh rút gọn.

Đặc điểm sóng tháng 8

Tháng 8 thường giằng co mạnh và điều chỉnh. Ở thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng 8 thường là tháng giằng co mạnh và điều chỉnh mạnh. Theo thống kê của người viết từ năm 2001 đến năm 2013, thị trường chứng khoán Việt Nam (lấy đại diện là VN-Index) giảm 7 trong 13 năm. Trong khi đó, có 2 năm thị trường giằng co và đi ngang (biến động không quá 0.5%) là vào tháng 08/2005 và tháng 08/2007. Chỉ có 4 trong số 13 năm là VN-Index tăng trưởng.

Sóng tháng 8 thường ngắn nhưng khá mạnh. Tính chất biến động của sóng thị trường trong tháng 8 cũng là một điểm đáng chú ý vì nó mang ý nghĩa quyết định đối với sự thành công trong trading.

Phân tích cho thấy sóng tháng 8 thường có có thời gian kéo dài không lâu, mức chệnh lệch cuối tháng so với đầu tháng không nhiều nhưng bù lại có mức tăng trưởng/điều chỉnh trong tháng khá lớn. Vì vậy, tháng 8 là tháng đặc biệt thích hợp đối với những nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng, thích đánh nhanh rút gọn.

Các tín hiệu cảnh báo khác

Nhóm Market Strength cho thấy khả năng điều chỉnh. Các chỉ số thuộc nhóm Market Strength cung cấp cho chúng ta cái nhìn về tình trạng thị trường ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Mặc dù không biến động quá bi quan nhưng việc đường EMA 5 ngày của chỉ số VS-Arms VN liên tục duy trì trong vùng 0.8 – 1.2 cho thấy khả năng bứt phá là không cao.

Bên cạnh đó, VS-NVI VN tiếp tục nằm bên dưới EMA 5 ngày. Điều này cho thấy dòng tiền thông minh đang rút ra thị trường trong ngắn hạn. Điểm đáng chú ý là VS-NVI VN cũng đã phá vỡ EMA 20 ngày nên nguy cơ đảo ngược xu hướng dài hạn là khá cao.

Khối ngoại bán ròng liên tục. Đây là một trong những yếu tố gây lo ngại nhiều nhất cho nhà đầu tư. Đường EMA 5 ngày của NetValForVN đã rơi xuống dưới đường 0. Điều này cho thấy khả năng giảm sâu đang tăng cao trong ngắn hạn. Trong lần tạo đỉnh gần nhất vào tháng 03/2014, khối ngoại cũng bán ra liên tục trong thời gian khá dài trước khi VN-Index thực sự lao dốc.

Thanh khoản không ổn định. Một trong những điều kiện để VN-Index có thể bứt phá và phá vỡ vùng 600 – 630 điểm là khối lượng phải tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục.

Tại thời điểm phá vỡ vùng 600 – 630 điểm vào đầu tháng 12/2006, mức trung bình 20 phiên gần nhất của khối lượng đã tăng gần gấp đôi so với 1 tháng trước đó.

Vì vậy, để kỳ vọng VN-Index có thể phá vỡ vùng 600 – 630 điểm trong thời gian tới thì khối lượng trung bình phải đạt tầm 150 – 200 triệu đơn vị. Trong khi đó, mức độ giao dịch hiện nay chỉ đạt mức trung bình nên khó có thể kỳ vọng một sự đột biến lớn của VN-Index.

Nguyễn Quang Minh