Chờ chặng đường cuối của TPP

Chờ chặng đường cuối của TPP

Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP) đã trải qua 19 vòng đàm phán chính thức, đang đi vào chặng nước rút cuối cùng. Ngày 19-9 tới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác Hoa Kỳ về phương hướng giải quyết các vấn đề quan tâm trong đàm phán TPP.

Trong 10 ngày qua, các trưởng đoàn đàm phán Hiệp định TPP đã làm việc tích cực tại Hà Nội. Các vấn đề quan trọng đưa ra thảo luận là vai trò của doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, đầu tư, xuất xứ hàng hóa, tính minh bạch và chống tham nhũng, lao động... đã có những bước tiến nhất định. Các thành viên TPP cũng đã đàm phán xây dựng các gói đầy tham vọng cho tiếp cận ưu đãi các thị trường của nhau đối với hàng hóa, dịch vụ/đầu tư, dịch vụ tài chính và mua sắm chính phủ.

Theo đánh giá, khi gia nhập là thành viên của TPP, Việt Nam có nhiều lợi thế được hưởng. Trong đó các DN dệt may nằm trong top đầu các ngành được hưởng lợi vì 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành này được xuất vào các nước thành viên TPP. Thuế suất xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam được đưa về 0% khi vào Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam trong các nước tham gia TPP.

Nhưng quả ngọt TPP cũng không dễ hái, khi mà TPP yêu cầu rất chính xác về tiêu chuẩn, nguyên liệu xuất xứ… chưa kể khi phần lớn các DN dệt may xuất khẩu của Việt Nam là DN FDI, chỉ có một số DN lớn trong nước như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có cơ hội, số đông còn lại là DN dệt may vừa và nhỏ trong nước sẽ khó tham gia vào TPP. Điều này đồng nghĩa với việc ưu đãi về thuế khi tham gia TPP sẽ thuộc về DN FDI.

Vì thế, giới chuyên gia cho rằng, võ đài TPP sẽ có những sóng gió lớn, và Việt Nam cần phải có những cải cách triệt để, và đây là công cuộc khó khăn.

Theo thông tin chính thức từ cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đang diễn ra tại Hoa Kỳ, Việt Nam mong muốn phía Mỹ chú trọng hơn nữa tới vấn đề cắt giảm thuế cho ngành dệt may và giày dép trong đàm phán Hiệp định Thương mại Thái Bình dương, đồng thời đề nghị Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sau khi đàm phán Hiệp định này kết thúc.

Về quyền sở hữu trí tuệ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Việt Nam hiểu tầm quan trọng của vấn đề này đối với Mỹ nhưng để có thể kết thúc sớm đàm phán, Mỹ nên có cách tiếp cận mềm dẻo hơn. Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Mỹ và các nước liên quan để tìm ra giải pháp chấp nhận được cho tất cả các bên. Phó Thủ tướng đặc biệt đề nghị Mỹ bắt tay xây dựng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để thực thi cam kết Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình dương ngay từ bây giờ.

Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế nói với Đại Đoàn Kết, về lĩnh vực dệt may, Hiệp định dành hẳn một chương để quy định cụ thể. Trong đó, yêu cầu rất quan trọng đó là yếu tố nội địa hóa. Đây là một tiêu chí được thị trường Mỹ đặt ra rất khắt khe. Trong khi sản phẩm dệt may của Việt Nam lâu nay chủ yếu là gia công với 80% là nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu tiếp tục như vậy thì chắc chắn sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Việt Nam phải bằng mọi cách đáp ứng được về thời điểm, nếu không khi những nội dung này được khép lại thì sẽ rất khó có cơ hội tiếp cận nữa.

Hồ Hương

Đại đoàn kết