Kênh tích lũy – Nơi xu hướng tăng trưởng bắt đầu

Kênh tích lũy – Nơi xu hướng tăng trưởng bắt đầu

Để giá cổ phiếu tăng chắc chắn là cần có một nguyên nhân nào đó. Nguyên nhân trong bài viết hướng tới là quá trình tích lũy của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn.

Để giá cổ phiếu tăng chắc chắn là cần có một nguyên nhân nào đó. Đứng dưới góc độ phân tích cơ bản thì các chuyên gia phân tích sẽ nhận thấy một số nguyên nhân như là giá thị trường (market value) đang ở dưới giá trị nội tại (intrinsic value), công ty có lợi nhuận đột biến…. Đứng dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì nguyên nhân thường được nhắc đến đó là cổ phiếu đã trải qua giai đoạn tích lũy và có tín hiệu sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng.

Để giải thích cho các pha thị trường (market phase) trong chu kỳ vận động giá chứng khoán, phương pháp VSA (Volume Spread Analysis) đưa ra ba định luật:

Định luật quan hệ cung cầu (The Law of Supply and Demand)

Đối với một cổ phiếu nào đó thì có người mua sẽ có người bán. Đúng là cổ phiếu được chuyển nhượng từ người này qua người khác nhưng sau khi chuyển nhượng người đó muốn mua lại thì mức giá đã không còn như lúc trước nữa.

Giá cao hơn thể hiện lực cầu cao hơn và giá thấp hơn thể hiện lực cầu thấp hơn so với nguồn cung. Như vậy, khi cầu lớn hơn cung thì giá tăng và cầu nhỏ hơn cung thì giá giảm.

Định luật nguyên nhân và kết quả (The Law of Cause and Effect)

Giá cổ phiếu tăng khi có một nguyên nhân nào đó thúc đẩy. Nguyên nhân có tác động ít thì giá chỉ tăng trong phiên hoặc kéo dài khoảng 2 – 3 phiên. Nguyên nhân có tác động lớn hơn có thể làm giá tăng trong một vài tuần. Để hình thành pha (market phase) tăng giá thì nguyên nhân phải đủ lớn. Nguyên nhân càng lớn thì hiệu ứng từ nó lại càng lớn.

Nguyên nhân trong bài viết hướng tới là quá trình tích lũy của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn.

Định luật về nỗ lực và thành công (The Law of Effort and Results)

Nếu không có nỗ lực thì sẽ không có gì cả, nhưng đôi khi nỗ lực cũng chưa hẳn đã mang lại kết quả như mong muốn. Chẳng hạn như trong ví dụ sau:

Ngày 1: Cổ phiếu A giao dịch 100,000 đơn vị, giá tăng 3 điểm.

Ngày 2: Cổ phiếu A giao dịch 200,000 đơn vị, giá tăng 2 điểm.

Ngày 3: Cổ phiếu A giao dịch 500,000 đơn vị, giá không tăng điểm nào.

Khái niệm tích lũy: Các nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư tổ chức thì rất khó có thể mua vào và bán ra ngay trong một thời gian ngắn, vì họ thường mua bán một lượng cổ phiếu rất lớn. Hành động này có thể làm cho giá cổ phiếu tăng quá mạnh khi họ mua một lượng cổ phiếu lớn tại cùng một thời điểm. Vì vậy, khi các nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư lớn muốn mua một lượng lớn cổ phiếu, họ thường mua trong một quãng thời gian để tránh làm giá cổ phiếu tăng. Giai đoạn này gọi là giai đoạn tích lũy.

Một số tín hiệu có thể xuất hiện trong giai đoạn tích lũy

Bán hoảng loạn (Selling climax): Sau một quá trình giảm giá dài, giá đột nhiên có phiên giảm điểm mạnh với khối lượng tăng đột biến. Tín hiệu này gọi là sự bán ra trong hoảng loạn.

Kiểm định lượng cung (Secondary Test): Là tín hiệu xuất hiện sau khi có sự bán ra hoảng loạn nhằm kiểm định lượng cung. Đây là tín hiệu xác nhận một tín hiệu bán hoảng loạn và cấu thành nhóm tín hiệu xác định giá cổ phiếu đã ngừng giảm

Kháng cự động (Creek): Trong quá trình tích lũy, thông thường lượng cung không chỉ xuất hiện ở kênh trên của kênh tích lũy mà có thể xuất hiện ở giữa kênh tích lũy hoặc thậm chí xuất hiện ở gần kênh dưới của kênh tích lũy. Đường nối các điểm mà lượng cung xuất hiện làm đảo chiều ngắn hạn trong kênh tích lũy gọi là kháng cự động và nó có hình dạng mềm mại như dòng suối (creek).

Tăng vượt (Jump across the creek): Sau khi tích lũy được một số lượng lớn cổ phiếu thì lúc này lượng hàng trôi nổi đã không còn nhiều. Để mua đủ được số lượng cần thiết thì họ tăng mức giá mua và hấp thụ hết lượng cung bán ra. Đây là tín hiệu tăng vượt qua vùng kháng cự và là dấu hiệu cho thấy giai đoạn tích lũy có thể sắp kết thúc.

Điểm phân phối cuối cùng (Last point of support): Sau những phiên tăng giá mạnh vượt qua vùng kháng cự thì thông thường sẽ xuất hiện sự điều chỉnh. Nếu lượng cung không xuất hiện đáng kể trong những phiên điều chỉnh này thì đây được xem là những lượng cung cuối cùng từ đám đông bán ra và giai đoạn tích lũy kết thúc.

Hãy cùng xem xét ví dụ dưới đây.

Sau khi tạo đỉnh trung hạn cùng thị trường từ cuối tháng 03/2014 thì ITA đã có giai đoạn giảm điểm liên tục tạo ra đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy sau thấp hơn đáy trước. Mức độ giảm điểm tăng dần, đến ngày 12/05 và 13/05/2014 thì ITA đã giảm sàn. Đây là có thể được xem là một tín hiệu bán hoảng loạn tiềm năng. Trong phiên giao dịch ngày 15/05/2014, ITA đã có phiên kiểm định lượng cung trong phiên thành công và hình thành nhóm tín hiệu xác nhận dừng lại xu hướng giảm. Sau tín hiệu ngừng giảm thì ITA tiếp tục tăng giá và hình thành kênh giao dịch đi ngang với biên độ khá hẹp.

Ngày 22/08/2014, ITA tăng điểm mạnh với biên độ giao dịch lớn và khối lượng giao dịch lớn hấp thụ tất cả lượng cung bán ra và bứt phá lên một mặt bằng mới. Đây được xem là tín hiệu tăng vượt tiềm năng và dấu hiệu cho thấy giai đoạn tích lũy có thể chuẩn bị kết thúc.

Ngày 26/08/2014, ITA giảm điểm trở lại nhưng mức giảm nhẹ với khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh cho thấy lượng cung trôi nổi cạn kiệt. Đây là tín hiệu cho thấy cổ phiếu ITA đã kết thúc giai đoạn tích lũy và chuyển sang giai đoạn tăng giá.

Nếu sử dụng phương pháp Point & Figure để xác định mức giá mục tiêu thì chúng ta sẽ có mức giá mục tiêu ngắn hạn cho ITA là 9.4 và mức giá trung hạn cho ITA là 13-13.5.

Lê Thanh Hòa