Nhận diện cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Nhận diện cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước, quá trình cải cách nền kinh tế cùng với sự hội nhập ngày càng sâu sắc vào nền kinh tế thế giới đang mở ra hàng loạt cơ hội đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam.

Nhiều cơ hội từ cải cách ngân hàng

Theo ông Darryl James Dong, đại diện Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng thế giới, nợ xấu không phải là điều xấu. Thay vào đó, ông nhìn thấy rất nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư vào việc xử lý nợ xấu. Ông Darryl cũng cho rằng, con số nợ xấu là bao nhiêu không quan trọng, vấn đề là phải biết nhìn nhận sự thật và tìm cách giải quyết. Ví dụ như Hàn Quốc, họ cũng có số nợ xấu rất lớn và đã giải quyết rất tốt, hay như Nhật Bản cũng phải mất tới 30 năm để giải quyết nợ xấu. Theo đó, việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là khởi đầu tốt nhưng chưa đủ, mà cần có những hướng dẫn cụ thể và rõ ràng. Theo ông, Việt Nam nên mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia giải quyết nợ xấu thay vì nhìn họ như những con “kền kền ăn xác thối”. Để làm được điều đó, Việt Nam cần có chính sách cụ thể, dọn sạch các trở ngại. Hiện Việt Nam vẫn chưa quy định rõ ràng về quy trình xử lý nợ xấu, tỷ lệ người nước ngoài được mua cũng như các vấn đề liên quan đến sở hữu bất động sản…

Cũng dựa trên những phân tích về quá trình cải cách hệ thống ngân hàng của Việt Nam, ông Cấn Văn Lực, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV chỉ ra 3 cơ hội tuyệt vời mà nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm bắt. Đó là việc tham gia M&A các ngân hàng, công ty tài chính và lĩnh vực khác; các hoạt động liên quan đến mua bán tài sản do giá bất động sản của Việt Nam hiện rất thấp và cơ hội tham gia vào hoạt động tư vấn cho các tổ chức, ngân hàng trong việc tái cơ cấu, M&A…

“Mảnh đất hứa” hàng tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Quốc Vọng, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có giá trị thấp dù sản lượng xuất đi là rất lớn. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa đầu tư vào các khâu sau thu hoạch, nên nông sản hầu hết xuất đi dưới dạng thô. Do đó, việc đầu tư vào phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam chính là cơ hội đầu tư rất tốt trong điều kiện hiện nay.

Đánh giá về ngành bán lẻ Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co.op cho rằng, ngành bán lẻ của Việt Nam còn non trẻ, trong đó thương mại hiện đại mới chiếm khoảng 22 – 25% tổng giá trị ngành bán lẻ. Với sự non trẻ như vậy, thị trường Việt Nam rất có triển vọng dựa trên các yếu tố về dân số, mức gia tăng thu nhập bình quân theo đầu người, tầng lớp trung lưu ngày một đông lên. Theo mục tiêu của Bộ Công Thương, đến 2020 nâng tỷ trọng của ngành bán lẻ hiện đại từ 22% lên 45% tổng giá trị bán lẻ. Ông Hòa đánh giá, về mặt môi trường pháp lý, Nhà nước đã thực hiện khá đầy đủ các cam kết về mở cửa. Trên thị trường có đầy đủ các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, triển khai nhiều mô hình kinh doanh khác nhau, từ trung tâm thương mại đến đại siêu thị, mô hình cửa hàng tiện lợi... Giữa các doanh nghiệp cũng thực hiện nhiều hình thức như đầu tư 100%, liên doanh liên kết hoặc gần đây là mua bán, chuyển nhượng. Như vậy, cơ hội đang mở ra cho các nhà đầu tư, bao gồm không chỉ các nhà phân phối, bán lẻ, mà còn đến với các nhà sản xuất.

Dưới góc độ là nhà đầu tư nước ngoài, ông Christian Leitzinger, Giám đốc điều hành Pham Nguyen Confectionery, cũng nhìn thấy rất nhiều cơ hội từ ngành hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội, dựa trên tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Đón cơ hội cùng quỹ ETF

Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã có khá nhiều loại hình đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư. Do đó, việc ra đời các sản phẩm ETF nội được kỳ vọng là sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư dựa trên nhiều lợi thế như chi phí thấp, giao dịch linh hoạt, tính minh bạch cao và khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư, giúp giảm rủi ro so với việc lựa chọn một hoặc một nhóm cổ phiếu hay trái phiếu. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 3 quỹ ETF đầu tư vào là: Market Vector Vietnam ETF (quy mô 627 triệu USD), FTSE Vietnam ETF (397 triệu USD) và Ishare Frontier Market 100 nhưng tỷ trọng chỉ 3%. Do các quỹ này đều là quỹ offshore (quỹ nước ngoài đầu tư tại Việt Nam) nên các nhà đầu tư Việt Nam khó có thể mua chứng chỉ quỹ. Hiện tại Việt Nam đã có quỹ ETF nội đầu tiên là VFMVN30 do công ty VFM quản lý, mô phỏng theo chỉ số VN30. Ngoài ra, Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cũng đang xin cấp phép cho quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số HNX30.

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng Giám đốc SSIAM đánh giá, loại hình ETF sẽ tạo thêm công cụ đầu tư mới và làm thay đổi hành vi của các nhà đầu tư. ETF sẽ cân bằng lợi nhuận và rủi ro, bởi việc đầu tư vào tài sản có thu nhập cố định (gửi tiết kiệm) hiện không mang lại lãi suất thực cho nhà đầu tư trong khi đầu tư cổ phiếu hiện tại trên thị trường khá nhiều rủi ro. Đặc biệt, do sự mới mẻ và thời gian chỉ mới bắt đầu tại Việt Nam nên các quỹ ETF sẽ có nhiều triển vọng hơn nữa tại thị trường này.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cũng chỉ ra những điểm nổi bật của ETF tại Việt Nam. Cụ thể, ETF VFMVN30 là chỉ số tham chiếu do Sở Giao dịch chứng khoán tại Việt Nam xây dựng và quản lý (cụ thể là chỉ số VN30), ETF không giới hạn room với nhà đầu tư nước ngoài, Trung tâm lưu ý đã xây dựng hệ thống SBL áp dụng cho sản phẩm ETF cho phép thành viên lập quỹ được quyền vay chứng khoán hay ETF để thực hiện các giao dịch hoán đổi, ngoài ra phí giao dịch ETF trên thị trường thứ cấp thấp hơn cổ phiếu. Hiện, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã hoàn thành các công tác chuẩn bị tại HoSE để sẵn sàng cho giao dịch ETF, về mặt hệ thống, các quy chế liên quan đến niêm yết, giao dịch…

Nguyễn Hiền

Hải Quan