Tập đoàn kinh tế: Cần phải tự lực cánh sinh

Tập đoàn kinh tế: Cần phải tự lực cánh sinh

"Không nên kỳ vọng quá nhiều vào các tập đoàn kinh tế (TĐKT) và hãy để mô hình này phát triển theo hướng "tự lực cánh sinh”, đó là quan điểm của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo lý luận và kinh nghiệm quốc tế về hình thành, phát triển và quản lý tập đoàn kinh tế - Một số bài học cho Việt Nam, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 16-9, tại TP. Hồ Chí Minh.

Không ít tập đoàn kinh tế thể hiện sự yếu kém trong hoạt động sản xuất và kinh doanh

Theo các chuyên gia kinh tế, mô hình quản lý của TĐKT nhất là TĐKT nhà nước còn nhiều hạn chế khi kết quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực dẫn đến thua lỗ. Thậm chí, nguy cơ mất khả năng thanh toán là thực tế mà các TĐKT đang phải đối mặt. Nguyên nhân của tình trạng trên chính là do sự "o bế” của Nhà nước. Trong khi, ở các nước khác quá trình xây dựng, phát triển và quản lý TĐKT trên tinh thần "tự lực cánh sinh”.

Ví dụ, tại Châu Âu, TĐKT hình thành theo phương thức tự phát triển, tích tụ tập trung vốn, góp vốn mua cổ phần chi phối các DN khác. Hoặc, tiến hành sáp nhập, hợp nhất. Có trường hợp nhà nước thành lập TĐKT trên cơ sở tái cơ cấu một số DNNN có quy mô lớn. Còn ở Việt Nam nếu kinh doanh có lời thì được thưởng, lỗ có nhà nước lo (?).

Chính vì được "o bế”, quá tận dụng và phụ thuộc vào ưu đãi của Chính phủ nên TĐKT nhà nước thường trì trệ và kém hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài nguyên nhân trên, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này phải kể đến nhân sự. Ở Hàn Quốc, doanh nhân đứng ra điều hành tập đoàn, ở Việt Nam điều khác lạ xảy ra khi cán bộ - công chức lại được bổ nhiệm làm kinh tế.

Nói về bất cập này, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế khẳng định: "Trong khi các DN tư nhân sử dụng CEO theo cơ chế thị trường, thì CEO của TĐKT nhà nước lại chính là quan chức. Đặc biệt, tính chất Đảng chưa tách rời trong tổ chức kinh tế khi Bí thư, phó Bí thư thường giữ chức vụ chủ tịch tập đoàn, Tổng giám đốc DNNN. Đây chính là một bất cập lớn nhất về nguồn nhân lực tạo điều kiện giúp DN, TĐKT nhà nước xa rời cơ chế thị trường”.

Song song với nguồn nhân lực yếu, nền tảng hình thành với "trụ to” nhưng thiếu bền vững kèm theo hạn chế trong công tác kiểm soát dẫn đến tình trạng lũng đoạn thị trường từ các TĐKT. Thực tế thấy rõ, hiện nay ở Việt Nam khái niệm tập đoàn được sử dụng như một hình thức "đánh bóng tên tuổi” nhằm khẳng định quy mô của DN. Thậm chí để "lòe” nhau trong giao dịch nhằm dễ dàng đi đến tình trạng sở hữu chéo.

Nhìn nhận rõ điểm yếu của TĐKT, DNNN cho nên chủ trương tái cấu trúc các loại hình này được đề cập, song thực tế đến nay vẫn chưa nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt. Vấn đề ở chỗ, hầu hết cơ quan quản lý đều cảm thấy không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào để tái cơ cấu TĐKT? "Các cơ quan hữu quan và các TĐKT trong nước phải học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới mới mong giải quyết được vấn đề mà thực tiễn đang yêu cầu”, ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách và phát triển, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định.

Ông Dũng cho biết thêm, ở các nước khác việc quản lý và kiểm soát TĐKT rất chặt chẽ. Đơn cử, tại Hàn Quốc trước những năm 1970 TĐKT phát triển mạnh với mô hình hoạt động hiệu quả cao. Nhưng sau đó TĐKT bị coi là "thủ phạm” chính gây lên khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, tái cơ cấu TĐKT trở thành nhiệm vụ khẩn cấp đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Theo đó, Hàn Quốc tiến hành nhiều bước song song, đặc biệt tập trung tái cơ cấu vốn và nợ; hạn chế việc sở hữu chéo và bảo lãnh các khoản nợ chéo giữa các công ty; loại bỏ những công ty kém; cải tiến trong quản trị DN.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong Luật Doanh nghiệp hiện hành và Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi chế định loại hình nhóm công ty và trong nhóm này có 2 hình thức là công ty mẹ con và TĐKT. Nhưng Luật không định nghĩa thế nào là TĐKT mà chỉ có Nghị định của Chính phủ nêu ra những tiêu chí để xác định tập đoàn và chủ yếu để áp dụng cho việc thành lập TĐKT nhà nước. "Từ kinh nghiệm của các nước, Việt Nam cần tìm hiểu kỹ xem có nên khuyến khích bằng pháp luật và chính sách để phát triển nhanh các TĐKT, có xem các TĐKT là loại hình DN mang tính động lực để phát triển hay không?”, ông Lịch nhấn mạnh.

Một số chuyên gia cho rằng, không nên xem trọng và đề cao các TĐKT mà cần hướng TĐKT phát triển vươn xa trên thị trường quốc tế, đặc biệt là TĐKT nhà nước.

Thanh Giang

Đại đoàn kết