Biến động của khối lượng đang nói lên điều gì?

Biến động của khối lượng đang nói lên điều gì?

Phân tích khối lượng hiện nay cho thấy dòng tiền đang rút ra khá mạnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhóm ngành đều bị rút tiền mà vẫn có những nhóm duy trì mức giao dịch khá tích cực.

Phân tích khối lượng giao dịch là thành phần cơ bản và rất quan trọng của phân tích kỹ thuật.

Khối lượng giao dịch là động lực chính tạo ra sự dịch chuyển của giá và thường thay đổi trước khi có sự thay đổi đáng kể của giá. Điều này là do sự thay đổi trong tương quan cung và cầu thường xuất hiện ở khối lượng trước khi có thay đổi về giá.

Dòng tiền chung trên thị trường đang rút ra khá mạnh. Phân tích chỉ số VS100 cho thấy thanh khoản liên tục đi xuống trong thời gian gần đây, bất chấp thị trường đã có sự suy giảm đáng kể. Khối lượng khớp lệnh duy trì bên dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 91 triệu đơn vị) cho thấy lực cầu khá yếu trên cả hai sàn.

Nhóm cổ phiếu VS-Small Cap và VS-Micro Cap bị rút tiền mạnh nhất. Khối lượng giao dịch bắt đầu đi ngang và xuống dốc kể từ thời điểm 15/09/2014 cho đến nay. Bảng thống kê dưới thể hiện khá rõ nét một số thực tế giao dịch trên thị trường như sau:

Thứ nhất, các cổ phiếu có vốn hóa tương đối lớn trở lên (VS-Large Cap và VS-Mid Cap) có mức sụt giảm thanh khoản không cao. Điều này chứng tỏ dòng tiền nhắm vào những cổ phiếu dạng này vẫn duy trì khá ổn định trên thị trường.

Thứ hai, dòng tiền rút ra rất mạnh khỏi các cổ phiếu nhỏ (gồm có VS-Small Cap và VS-Micro Cap) với mức sụt giảm EMA20 của Khối lượng tăng/giảm (%) so với 15/09/2014 lần lượt là 34.09% và 37.19%.

Một điểm rất đáng chú ý nữa là nhóm cổ phiếu VS-Small Cap có mức độ giao dịch lớn nhất trong 4 nhóm (thể hiện qua số tăng/giảm tuyệt đối) và đây cũng là một trong những nhóm có mức độ sụt giảm thanh khoản cao nhất.

Không phải tất cả các ngành đều bị rút tiền. Theo thể hiện của bảng thống kê dưới đây thì không phải tất cả các ngành đều bị rút tiền.

Những ngành như SX Dược phẩm, SX Thiết bị điện - Điện tử - Viễn thông, CNTT - Truyền thông và DV Lưu trú và Giải trí thậm chí EMA20 của khối lượng còn gia tăng kể từ 15/09/2014. Đặc biệt, ngành SX Dược phẩm và CNTT - Truyền thông có mức tăng trưởng hết sức ấn tượng (trên 25%). Vì vậy, đây có thể coi là những ngành triển vọng và an toàn cho giai đoạn cuối năm.

Ngành Bất động sản có thể coi là một trong những ngành “hot” nhưng lại không bị rút tiền quá mạnh khi mà EMA20 của khối lượng chỉ sụt giảm chưa đầy 10% tính từ 15/09/2014. Điều này cho thấy đây vẫn sẽ là một ngành đáng chú ý đối với nhà đầu tư trong thời gian tới.

Hầu hết những ngành còn lại đều có mức độ sụt giảm thanh khoản khá lớn (trên 15%) nên mức độ rủi ro là khá cao. Điển hình như ngành SX Nhựa + Hóa chất, Tiện ích công, Thương mại (Bán sỉ - Bán lẻ), Bảo hiểm, Ngân hàng…

Tình trạng thị trường hiện tại là không quá bi quan khi mà các ngưỡng hỗ trợ mạnh dài hạn vẫn đang trụ vững. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú trọng việc phân bổ danh mục đầu tư sao cho hợp lý để phòng ngừa rủi ro và tối đa hóa khả năng năng sinh lời cho giai đoạn cuối năm.

Nguyễn Quang Minh