IMF và lời cảnh báo 3.8 ngàn tỷ USD đối với Fed

IMF và lời cảnh báo 3.8 ngàn tỷ USD đối với Fed

Việc rút lại các mức lãi suất siêu thấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nếu diễn ra “không êm đẹp”, có thể khiến các danh mục trái phiếu toàn cầu thua lỗ đến 3.8 ngàn tỷ USD.

* IMF lại hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2014 và 2015

* IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu còn rủi ro và kêu gọi hành động mạnh tay hơn

 

Đó là lời cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo bình ổn tài chính toàn cầu công bố giữa tuần trước.

IMF cố gắng nhấn mạnh rằng tổ chức này không nghĩ con số thua lỗ có thể cao đến như vậy nhưng lại khẳng định việc thắt chặt chính sách trong quá khứ chính là tác nhân quan trọng châm ngòi cho đà sụt giảm của các thị trường thu nhập cố định.

IMF đưa ra con số 3.8 ngàn tỷ USD khi giả định quá trình điều chỉnh lãi suất sẽ diễn ra nhanh chóng và có thể dẫn đến mức thua lỗ hơn 8%, từ đó khiến các thị trường toàn cầu lao dốc dữ dội.

Giới quan sát dự báo lần nâng lãi suất đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào giữa năm 2015. Tuy nhiên, tốc độ của các lần nâng lãi suất tiếp theo vẫn còn được tranh cãi sôi nổi.

Mặc dù cảnh báo Fed về vấn đề nâng lãi suất nhưng tổ chức này cũng lưu ý về những rủi ro từ việc Fed và các ngân hàng trung ương khác giữ lãi suất ở mức thấp trong một thời gian quá lâu.

Theo IMF, các mức lãi suất thấp có thể khuyến khích nhà đầu tư mua vào các tài sản rủi ro để tìm kiếm mức sinh lời cao hơn và hành động này có thể khiến đà phục hồi kinh tế toàn cầu chệch hướng trong bối cảnh mà tổ chức này đánh giá là “yếu và không đồng đều”.

Báo cáo của IMF cũng cho rằng cần phải tăng cường thận trọng trước các rủi ro. Theo IMF, hiện giá của hầu như tất cả các loại tài sản quan trọng đều đã ở mức quá cao.

Trong báo cáo trước đó vào ngày 07/10, IMF cho biết tăng trưởng toàn cầu có thể đạt 3.3% trong năm 2014 và 3.8% trong năm 2015, giảm lần lượt 0.1% và 0.2% so với dự báo đưa ra trong tháng 7. Theo IMF, bắt đầu xuất hiện tình trạng phân hóa giữa các nền kinh tế đang phục hồi và các nền kinh tế chưa phục hồi.

Phước Phạm (Theo MarketWatch)