Khi đồng USD lên ngôi

Khi đồng USD lên ngôi

Đồng bạc xanh đã phá vỡ mốc 110 JPY lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính

Đồng bạc xanh chạm mức cao nhất trong 6 năm so với đồng JPY vào ngày thứ Tư khi phá vỡ mốc 110 lần đầu tiên kể từ ngày 25/08/2008.

* Tỷ giá USD/VND vào đợt biến động mới?

* Trung Quốc cho phép giao dịch trực tiếp nhân dân tệ - euro

 

Theo đó, cặp tiền tệ này đã chạm mốc 110.08 trong giao dịch tại châu Á. Ngay lập tức, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản lên tiếng khẳng định các nhà chức trách sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của đồng JPY.

Kể từ đầu tháng 8 đến nay, đồng bạc xanh đã tăng hơn 8% so với đồng JPY nhờ chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự yếu kém gần đây của nền kinh tế Nhật Bản.

Các nhà làm chính sách Nhật Bản hoan nghênh đồng JPY yếu vì đây là điều có lợi đối với các mặt hàng xuất khẩu nhưng sự giảm giá quá nhanh của đồng tiền này lại là vấn đề đáng lo ngại. Nhật Bản đang mắc kẹt trong tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên nên sự giảm giá quá mạnh của đồng JPY sẽ gia tăng chi phí mua nguyên vật liệu từ nước ngoài, qua đó làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Eisuke Sakakibara - cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, đồng USD có thể tiếp tục tăng giá nhẹ so với đồng JPY nhưng sẽ sớm ổn định.

Ông cho biết: “Mặc dù bức tranh nền kinh tế Nhật Bản hiện đang kém khả quan hơn so với kỳ vọng nhưng tình hình vẫn còn tương đối tốt”. Được biết, ông Sakakibara còn có biệt danh là “Mr Yen” do sức ảnh hưởng từ những tuyên bố của ông đối với đồng nội tệ Nhật Bản khi ông còn đương nhiệm trong giai đoạn 1997-1999.

Ông nói thêm: “Việc đồng JPY tiếp tục rớt giá là điều không thể xảy ra; đây rõ ràng là sự tăng mạnh của đồng USD. Thị trường đã chiết khấu xong đà tăng của đồng USD nên tôi cho rằng đồng bạc xanh sẽ không vượt mốc 112 hay 113 JPY. Theo quan điểm của tôi, cặp tiền tệ này sẽ giao dịch trong phạm vi từ 107-112”.

Các nhà làm chính sách Nhật Bản đã và đang đối mặt với rất nhiều lời kêu gọi về việc áp dụng thêm các biện pháp để kích thích nền kinh tế nước này sau khi bị tác động nặng nề bởi động thái nâng thuế tiêu thụ trong tháng 4. Các số liệu kinh tế mới nhất được công bố hôm thứ Ba (30/09) cho thấy bức tranh trái chiều với doanh số bán lẻ tháng 8 tăng 1.2% so cùng kỳ năm ngoái trong khi chi tiêu hộ gia đình cùng tháng giảm 4.7% so tháng 8/2013.

Theo dự kiến, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ nhóm họp vào tuần tới và nhiều nhà phân tích dự báo BoJ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Tuy nhiên, ông Sakakibara cho rằng Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda sẽ “để dành” các biện pháp của mình trong thời điểm hiện tại.

“Ông Kuroda sẽ chưa nới lỏng chính sách tiền tệ cho đến năm tới vì thuế tiêu thụ có thể tăng lên 10% trong năm 2015, khi đó sẽ xuất hiện các dự tính về mức độ trì trệ của nền kinh tế”. Và ông Kuroda sẽ hành động, có thể là trong nửa đầu hoặc nửa cuối năm tới”.

Được biết, Chính phủ Nhật Bản đã nâng thuế tiêu thụ trên toàn quốc từ 5% lên 8% vào tháng 4 vừa qua nhằm hạ thấp khoản nợ khổng lồ của nước này với ước tính cao hơn gấp 2 lần so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Phước Phạm (Theo CNBC)