Saigon Co.op, Big C đẩy mạnh tiêu thụ cà chua Đà Lạt

Saigon Co.op, Big C đẩy mạnh tiêu thụ cà chua Đà Lạt

Một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM đang có biện pháp tích cực hỗ trợ tiêu thụ cà chua cho bà con nông dân Đà Lạt, đồng thời tìm giải pháp quảng bá, tăng đầu ra cho sản phẩm này.

Hiện cà chua trồng tại Đà Lạt do được mùa nên rớt giá, giá bán ra không đủ để bà con nông dân trang trải chi phí thu hoạch, dẫn đến tình trạng trái chín rụng đầy cả gốc, nông dân thua lỗ nặng.

Để hỗ trợ người trồng cà chua, tập đoàn bán lẻ Saigon Co.op đã tổ chức mua cà chua từ cuối tháng 9 khi cà chua có dấu hiệu rớt giá mạnh do được mùa. Giá mua cà chua của Saigon Co.op dao động quanh mức 6.000 đồng/kg, giá bán ra tại siêu thị ở mức 6.900 đồng/kg. Giá mua này cao hơn nhiều so với thương lái và giá bán ra thấp hơn giá thị trường chung.

Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing hệ thống siêu thị Saigon Co.op, ước tính Saigon Co.op gồm hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước, đại siêu thị Co.opXtra tại Thủ Đức và chuỗi cửa hàng Co.op Food tại TPHCM đang tiêu thụ trung bình khoảng 12 tấn cà chua mỗi ngày, cao điểm cuối tuần đạt 16 tấn/ ngày. Như vậy, cho đến thời điểm này, tổng lượng cà chua đã tiêu thụ trên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op là hơn 300 tấn và sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Cùng với Saigon Co.op, hệ thống siêu thị Big C cũng đang có những hoạt động hỗ trợ tiêu thụ cà chua giúp người nông dân. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C cho hay tính đến thời điểm này, Big C đã tiêu thụ 150 tấn cà chua.

Ngoài ra, để giúp tiêu thụ sản lượng lớn cho nông dân Đà Lạt, Big C quyết định bán ra bằng giá vốn cho mặt hàng cà chua tại khu vực miền Nam và chấp nhận bù lỗ chi phí vận chuyển cho khu vực miền Bắc và miền Trung. Bên cạnh đó, sẽ không giới hạn số lượng đặt hàng cà chua từ 28 siêu thị Big C trên toàn quốc. Và đặc biệt, Big C sẽ triển khai chương trình bán cà chua với giá cực rẻ tại khu vực miền Nam và miền Trung từ ngày 24 – 31/10/2014, còn khu vực miền bắc sẽ bán hàng từ 27 – 31/10/2014.

Với những hoạt động ấy, ông Nguyên hy vọng “trong thời gian tới, lượng tiêu thụ cà chua của Big C sẽ tăng gấp 5 – 6 lần so với thời điểm hiện tại. Điều này sẽ góp phần giúp bà con nông dân tiêu thụ được một lượng lớn cà chua đang vào vụ”.

Thực tế cho thấy, việc sản xuất của bà con nông dân cần có liên kết và cần có kế hoạch chứ không thể tự phát như hiện nay. Điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng dư thừa, cung vượt cầu và cuối cùng người chịu thiệt vẫn là nông dân.

Vì thế, việc liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối sẽ đem lại lợi ích cho cả 3 bên. Cụ thể, người trồng sẽ chủ động lên kế hoạch trồng trọt hợp lý nên tiết kiệm được chi phí và hầu như được bao tiêu đầu ra dẫn đến sản phẩm chất lượng cao và giá hợp lý. Nhà phân phối thì chủ động về nguồn hàng, không mất chi phí tìm kiếm khai thác các vùng nguyên liệu ngoài kế hoạch và yên tâm về chất lượng, sản lượng và giá cả của sản phẩm. Còn người tiêu dùng thì mua được sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, chất lượng và giá cả được kiểm soát.

Chính việc liên kết hợp lý sẽ không làm thị trường lũng đoạn bởi thương lái. Mặt khác, nếu bị ảnh hưởng thời tiết hay các yếu tố khách quan khác thì cũng chủ động điều chỉnh một cách có hệ thống, hạn chế tối đa biến động giá và chủ động điều tiết thị trường.

Nguyễn Quyên

tbktsg