Thế giới loạn lạc: Phước cùng hưởng, họa cùng chia

Thế giới loạn lạc: Phước cùng hưởng, họa cùng chia

Nhiều khi cứ nghĩ thế giới loạn lạc như vầy, bình tâm ngồi chơi đã là khó nói chi đến làm ăn.

"Chỉ cần ông này báo kích cầu, phá giá đồng tiền, bà kia bảo chưa tăng lãi suất...là các nước có nền kinh tế sống nhờ vào xuất khẩu nguyên liệu lãnh đủ."

Mỹ và đồng minh tấn công thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, căng thẳng địa chính trị tại Ukraine, vùng biển Đông liên tục bị Trung Quốc quấy rối, các nước Bắc Phi và Trung Đông vẫn hết sức bất an, rồi dịch bệnh Ebola ở Tây Phi làm trên 3.000 người chết và còn đe dọa lây lan mạnh ra khỏi biên giới... tưởng đó chính là nguồn cơn đưa nền kinh tế thế giới đến khủng hoảng, trì trệ, suy thoái bấy lâu.

Hóa ra đấy chỉ là bề nổi của tảng băng. Ở một trận địa khác, các pha đấu đá nhau căng thẳng không kém. Đôi khi chỉ cần một lời bóng gió của một tay trùm chính sách tiền tệ, cuộc cờ kinh doanh chuyển sang hướng khác liền. Chỉ cần ông này báo kích cầu, phá giá đồng tiền, bà kia bảo chưa tăng lãi suất... là các nước có nền kinh tế sống nhờ vào xuất khẩu nguyên liệu lãnh đủ.

Hết Mỹ, đến EU, Nhật Bản rồi Brazil và nhóm nước mới nổi (BRICS)... thay phiên nhau tung gói kích cầu bằng cách mạnh tay bơm tiền mặt vào hệ thống kinh tế. EU, Nhật, Mỹ... đều hạ lãi suất đến mức không còn gì để hạ thêm nữa.

Thời gian gần đây, các nước xuất khẩu và giới kinh doanh hàng hóa nguyên liệu lo sốt vó hơn người chạy chợ. Giá giảm chóng mặt.

Cái ai cũng thấy rõ là giá nhiều loại hàng hóa như nông sản, dầu thô, kim loại vàng bạc... đều đua nhau xuống, có mặt hàng xuống thấp nhất tính từ bốn năm nay, ảnh hưởng lớn đến chén cơm manh áo của người sản xuất, tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế của các nước xuất khẩu nguyên liệu. Cứ tưởng tượng một nước xuất khẩu nông sản như gạo, cà phê, đậu mè như nước ta... công làm cả mùa, đến khi gặp một quyết định ích kỷ đâu đó là ôi thôi rồi “xong om”.

Tại cuộc họp vừa qua của FED - Cục Dự trữ liên bang hay được xem như là Ngân hàng Trung ương Mỹ, bà Chủ tịch Janet Yellen bóng gió nói sẽ tăng lãi suất đồng đô la Mỹ, thế là chỉ số đồng đô la Mỹ phất cờ tăng mạnh. Chỉ số đồng tiền này đến hết ngày 26-9 giao dịch trên mức 85,5 điểm, vượt qua mức cao trước đây là 84,5 điểm lập vào tháng 7-2010 và vươn lên từ đáy vào tháng 5-2011 bấy giờ quanh mức 73 điểm. Chỉ số này còn tăng được nữa không? Chẳng ai dám đoán. Tuy nhiên, nhớ rằng chỉ số này vào năm 2002 có lúc chạm mức 120 điểm, và mới cuối năm 2008 vượt đến 90 điểm.

Hệ quả là giá các sàn hàng hóa đua nhau xuống. Đơn cử như dầu thô giảm có khi dưới 90 đô la/thùng từ mức 104 đô la/thùng vài tháng trước đó. Nông dân trồng lúa gạo, cà phê... đều than giá thấp. Ngay cả nhiều nước có nền kinh tế khá mạnh, nhưng tập trung nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu như Úc hay Brazil đều phải gặp khó. Úc bấy lâu còn lướt sóng theo nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc nay cũng thấy tắc tị, Brazil phải tăng cường bán dự trữ ngoại tệ để giữ vững đồng tiền.

Có một điều hết sức thú vị là khi giá nông sản giảm, mọi thông tin đều đổ thừa cho lý do thời tiết, biến đổi khí hậu, hay do nhu cầu tiêu thụ... Ít ai nghiệm được rằng suốt mấy năm nay, ngân hàng trung ương các nước giàu đã lấy chục tỉ euro này, trăm tỉ đô la kia “tưới” vào thị trường làm các sàn kinh doanh tài chính “lụt” vì vốn, “khí hậu biến đổi” trên thị trường tài chính đã trở thành bất trị, mọi dự báo đều trở nên bất khả. Đến đỗi một nhà phân tích thị trường tài chính phải hụt hẫng thắc mắc không biết tuần tới “mưa nhiều” hay “khô hạn”, tức vốn của đầu cơ tài chính đổ vào thị trường nhiều hay ít ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa toàn cầu.

Chẳng dám trách phận nghèo. Nhiều nước xuất khẩu hàng hóa đang oằn mình do giá bán thấp. Mong các ông bà “toàn quyền” kinh tế thế giới nói một tiếng cho đời đỡ khổ, nhưng chắc “còn khuya”! Thôi thì, cái họa giá hàng hóa thấp bấy rày, các nước sản xuất cùng chia vậy!

Nguyễn Quang Bình

tbktsg