Chứng khoán điều chỉnh: Bi quan quá mức liệu có hợp lý?

Chứng khoán điều chỉnh: Bi quan quá mức liệu có hợp lý?

Sự xuất hiện của mẫu hình Head & Shoulders trên VN-Index khiến giới đầu tư nhớ lại một mẫu hình tương tự cũng hình thành vào giai đoạn tháng 10 – 11/2009.

Nhà đầu tư lo ngại thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng trong một thời gian nữa. Liệu tâm lý bi quan và đẩy mạnh bán ra bằng mọi giá có hợp lý?

Mẫu hình Head & Shoulders - Lịch sử đang lặp lại

Sự trùng lặp vế mặt thời điểm. Giai đoạn quý 4 thường được coi là giai đoạn có nhiều biến động bất ngờ nhất của thị trường chứng khoán VIệt Nam.

Mẫu hình Head & Shoulders trong năm 2009 cũng xuất hiện vào vào giai đoạn tháng 10 – tháng 11. Vì vậy, sự lo ngại của giới đầu tư là rất có cơ sở khi mà một mẫu hình tương tự cũng xuất hiện vào giai đoạn này trong năm 2014.

Cơ hội bắt đáy hấp dẫn. Nếu so sánh với giai đoạn cuối năm 2009 thì sau đợt điều chỉnh sâu đạt đến mục tiêu giá của mẫu hình Head & Shoulders, VN-Index đều có xuất hiện phân kỳ giá lên (bullish divergence) với các chỉ báo như +DI, Relative Strength Index... và sau đó tăng rất mạnh. Nếu tín hiệu tương tự xuất hiện thì đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư ngắn hạn gia tăng lợi nhuận.

Vì vậy, chúng tôi đang chờ đợi một phân kỳ giá lên mạnh trong thời gian tới như là một tín hiệu đáng tin cậy để tham gia bắt đáy. Dự kiến vùng mục tiêu của mẫu hình Head & Shoulders (550 – 560 điểm) sẽ là điểm dừng của đợt giảm lần này.

Nhóm MA dài hạn đã bị phá vỡ. Giới phân tích so sánh giai đoạn hiện nay với giai đoạn tháng 4 – tháng 05 của năm 2014 khi VN-Index giảm rất mạnh sau sự cố giàn khoan ở Biển Đông. Tuy nhiên, dù giảm mạnh nhưng VN-Index chỉ phá vỡ SMA200 đúng 2 phiên rồi sau đó phục hồi mạnh mẽ trở lại.

Còn hiện nay, tính đến ngày 27/11/2014 thì VN-Index đã duy trì bên dưới SMA200 (tương đương vùng 588 – 590 điểm) được 4 phiên liên tiếp. Vì vậy, sự thận trọng là cần thiết trong ngắn hạn.

Khối ngoại vẫn chưa mua mạnh. Khối ngoại tăng cường lướt sóng là một trong những điểm mới của những năm gần đây. Giai đoạn đầu tháng 04/2014 đến đầu tháng 07/2014 đánh dấu một thời kỳ mua ròng mạnh mẽ và liên tục của khối ngoại.

Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 08/2014 đến nay (trừ tuần cuối tháng 10/2014) thì khối này bán ròng là chủ yếu (chỉ tính giao dịch khớp lệnh, không tính thỏa thuận). Điều này sẽ khiến cho các nhóm nhà đầu tư còn lại hạn chế bắt đáy mạnh trên thị trường.

Bi quan quá mức liệu có hợp lý?

Mặc dù có nhiều tín hiệu tiêu cực nhưng việc bi quan quá mức có vẻ không hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Khối ngoại bán ròng nhưng mức độ bán ra của các phiên không quá lớn. Bằng chứng là EMA5 và EMA20 của NetValForVN chỉ dao động quanh mức 0 chứ không rơi sâu dưới mức 0.

Mục tiêu giá của mẫu hình Head & Shoulders (vùng 550 – 560 điểm) cũng khá gần mức hiện nay nên việc hoảng loạn bán ra bằng mọi giá là không thực sự hợp lý. Bên cạnh đó, sự điều chỉnh trong giai đoạn vừa qua của thị trường có sự ”đóng góp” không nhỏ của các mã cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, ... vốn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự lao dốc liên tiếp của giá dầu (Tham khảo thêm tại đây)

Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc canh mua vào ở những mã có cơ bản tốt và mức điều chỉnh nhiều trong giai đoạn hiện nay là khá hợp lý, đặc biệt là khi VN-Index về lại vùng 550 – 560 điểm. Những tín hiệu kỹ thuật đang được chờ đợi là một phân kỳ giá lên giữa RSI, Stochastic Oscillator... với VN-Index và khối ngoại ngưng bán ròng. Nếu các tín hiệu này xuất hiện thì dự kiến sẽ có một đợt phục hồi mới vào cuối năm.

Nguyễn Quang Minh