Góc nhìn 26/11: Rủi ro điều chỉnh vẫn rình rập

Góc nhìn 26/11: Rủi ro điều chỉnh vẫn rình rập

Một phiên phục hồi của VN-Index vẫn chưa khẳng định được xu hướng chắc chắn sắp tới. Hiện tại vẫn chưa thể loại bỏ rủi ro điều chỉnh và thị trường cần thêm một thời gian nữa để có thể cân bằng trở lại.

Tiếp tục một phiên tăng điểm

CTCK Maritime Bank (MSBS): Vùng 576-577 điểm hiện là vùng hỗ trợ rất mạnh, VN-Index khó có thể xuyên thủng qua mốc này. Nhưng hiện tại, thị trường vẫn chưa có một yếu tố nào hỗ trợ nên chưa thể tăng mạnh mà sẽ diễn biến đi ngang trong ngắn hạn. Phiên 26/11 có thể vẫn sẽ là một phiên tăng điểm, VN-Index có thể tăng từ đầu phiên tiến lên mốc 588 – 589, sau đó giảm dần về cuối phiên và chỉ xanh nhẹ.

Chiến lược thích hợp lúc này vẫn là mua gom ở vùng giá thấp và nắm giữ trong trung hạn. Các giao dịch trong ngắn hạn, giao dịch Trading T+ nên tạm dừng để hạn chế rủi ro.

Rủi ro điều chỉnh chưa được loại bỏ

CTCK Bảo Việt (BVS): Với diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán thế giới trước các thông tin tích cực như NHTW Trung Quốc công bố hạ lãi suất, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu cam kết thúc đẩy các chương trình nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng và Thủ tướng Nhật quyết định hoãn tăng thuế, BVS cho rằng giao dịch khối ngoại sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới và là động lực hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong trung hạn.

NĐT được khuyến nghị giải ngân ở các mã cơ bản đã giảm tương đối mạnh trong giai đoạn điều chỉnh vừa qua. Tuy nhiên cần khống chế tỷ trọng ở mức vừa phải do rủi ro tiếp tục điều chỉnh của thị trường chưa được loại bỏ.

Các mã có tính đầu cơ, với tỷ lệ margin cao trong thời gian vừa qua nên được hạn chế mua vào trước khi những tác động của Thông tư 36 được phản ánh đầy đủ.

Khó giữ mốc 580 điểm

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Chỉ số VN-Index dù tăng nhẹ trở lại ở phiên 25/11 nhưng vẫn ở phía dưới đường hỗ trợ MA200, trong khi áp lực bán ra vẫn khá lớn thì cơ hội để gia tăng trở lại có lẽ cần nhiều hơn vào lực mua từ khối ngoại. Nếu như phiên 26/11 thị trường giảm trở lại thì có lẽ tâm lý NĐT sẽ ngày càng bi quan hơn và mốc 580 khó giữ được.

Đây quả thực là một giai đoạn đầy khó khăn và có lẽ thị trường cần một khoảng thời gian đủ dài để cân bằng trở lại bất chấp áp lực có thể đến.

Duy trì phục hồi nhẹ

CTCK Kim Long (KLS): Theo phân tích kỹ thuật, xu thế giảm vẫn đang hiện hữu và trong những phiên gần đây VN-Index lùi sát về dải dưới của Bollinger. Các chỉ báo cho thấy tín hiệu tiêu cực, MACD hướng xuống, bong bóng ADX mở rộng cho thấy cường độ giảm có thể tiếp tục. Mặc dù cây nến của ngày 25/11 vẫn chưa thể lấp đầy vùng GAP giữa hai cây nến đỏ gần nhất.

Tuy nhiên sự phục hồi từ vùng 580 đang tạo tâm lý tích cực đối với chỉ số VN-Index. Theo dự báo của KLS, sự phục hồi nhẹ có thể được duy trì trong phiên 26/11.

Riêng HNX-Index hiện vẫn đang thiết lập xu thế giảm ngắn hạn và dao động trong kênh tăng giá trung hạn. Các chỉ báo nhanh cho rằng đà giảm sẽ mạnh dần, niềm tin vào thị trường yếu dần khi thanh khoản tụt giảm.

Tuy nhiên cây nến của phiên 25/11 phục hồi chiếm hơn ¾ cây nến giảm trước đó và cho mẫu hình đảo chiều tăng Ulish Engulfing. Chưa thể chắc chắn sự phục hồi sẽ diễn ra, tuy nhiên KLS cho rằng vẫn có thể kỳ vọng HNX-Index tiến gần đến mức 90 điểm trong một vài phiên tới.

Chưa đủ về cân bằng tạo xu hướng mới

CTCK FPT (FPTS): Sự hồi phục của VN-Index và HNX-Index trong phiên 25/11 phần nào trấn an tâm lý NĐT sau những phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên thanh khoản trên cả 2 sàn đang duy trì khá thấp, đi kèm những dấu hiệu kỹ thuật vẫn đang khá yếu, chưa đủ đưa 2 chỉ số về trạng thái cân bằng và tạo xu hướng mới.

VN-Index giữ nguyên ngưỡng hỗ trợ ở vùng 560 tương ứng kênh dưới của trend giảm ngắn hạn khi không giữ được 580; HNX-Index thì vùng dao động là từ 84-88 điểm trong trường hợp sự hồi phục không được giữ vững ở những phiên tới. Tuy nhiên, việc chốt NAV của các quỹ đầu tư vào phiên giao dịch cuối tuần sẽ phần nào cho hi vọng tích cực về sự nâng đỡ của các trụ cột bluechip.

Trong ngắn hạn đây được đánh giá là sự phục hồi kỹ thuật, chính vì vậy hoạt động giải ngân vẫn cần được hạn chế, NĐT nên thận trọng giữ một tỷ lệ cổ phiếu ở mức thăm dò tương ứng 20-30% tài khoản. Việc quan sát khối lượng giao dịch và mức độ tham gia thị trường của NĐT khi các chỉ số giao dịch tại vùng hỗ trợ là điều cần thiết để quyết định hành động tiếp theo.

Trần Hạnh tổng hợp