Góc nhìn “trần trụi” về Logistics Việt Nam từ một doanh nghiệp lớn

Góc nhìn “trần trụi” về Logistics Việt Nam từ một doanh nghiệp lớn

Đại diện cho nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu nhiều ảnh hưởng đến vấn đề phụ phí và cước logistics, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG), đã chia sẻ những tâm nguyện về thực trạng logistics Việt Nam tại Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ hai diễn ra ngày 27/11.

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ hai diễn ra tại TPHCM ngày 27/11

Tập đoàn Hoa Sen là doanh nghiệp lớn sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tôn, thép; xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, logistics ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Hoa Sen, nhất là hoạt động xuất khẩu.

Theo đánh giá của ông Lê Phước Vũ, việc chi phí logistics ở Việt Nam lên đến 20% GDP trong khi các nước trên thế giới chỉ khoảng 13% GDP là một vấn đề lớn. Khi đã vào sân chơi kinh tế toàn cầu, năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh doanh nghiệp là rất quan trọng, trong khi với chi phí như vậy thì doanh nghiệp Việt khó có thể hội nhập.

Trong vòng 10-30 năm tới, khu vực tăng trưởng mạnh mẽ nhất, năng động nhất, có thể thu hút được dòng vốn của thế giới nhiều khả năng chính là khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tích lũy vốn của doanh nghiệp Việt Nam đều thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia...

“Nếu không tận dụng được cơ hội, chắc chắn chúng ta sẽ tụt hậu” - Ông Lê Phước Vũ nhìn nhận.

Ví dụ như trước đây khi xuất khẩu tôn sang Panama chi phí vận chuyển có những lúc lên 120-130 USD/tấn. “Nếu chịu chi phí vận chuyển cao như thế này, chắc chắn rằng tôi không kiếm được một đồng lợi nhuận cho tập đoàn” – Ông Vũ cho biết. Phải may mắn, Hoa Sen nhờ “ké” hai tập đoàn của Hàn Quốc xuất khẩu thép từ Việt Nam sang New Zealand với giá vận chuyển chỉ khoảng 70-80 USD/tấn, giảm một khoản phí rất lớn cho Hoa Sen.

Hiện nay hệ thống cảng biển dư công suất, nhưng có nhiều điều rất bất hợp lý. Ví như một container theo đường bộ chở từ Phú Mỹ xuống Sài Gòn, Hoa Sen phải trả chi phí 4.6 triệu đồng/container. Còn nếu đi đường biển, đường sông, Hoa Sen phải trả 3.8 triệu đồng/container, trong khi vận chuyển một container từ cảng Sài Gòn đi Bangkok tốn có 110 USD/container, chỉ bằng một nửa. “Với mấy chục cây số di chuyển mà chi phí “đội” lên gấp đôi so với một chuyến hàng trăm cây số ra nước ngoài, cực kỳ bất hợp lý. Vì lẽ đó mà năng lực cạnh tranh của chúng ta bị suy giảm, hàng hóa không cạnh tranh được”, ông Vũ chia sẻ.

Hiện nay, Hoa Sen hạn chế tối đa vận tải đường bộ, chỉ có một số khu vực lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tp.HCM… thì vận chuyển đường bộ, hầu hết Hoa Sen đều tận dụng đường biển, sông dài để vận chuyển hàng hóa. “Để đưa cước phí vận tải đường bộ về giá trị thật, Hoa Sen buộc lòng phải sử dụng vận tải biển” – Ông Vũ nhận định.

Đức Phương