Mondelēz sẽ đầu tư 7,864 tỷ, ôm trọn 80% mảng bánh kẹo của Kinh Đô

[Bài cập nhật]

Mondelēz sẽ đầu tư 7,864 tỷ, ôm trọn 80% mảng bánh kẹo của Kinh Đô

Sau khi ôm trọn 80% mảng bánh kẹo của Kinh Đô, công ty thực phẩm lớn của Mỹ là Mondelēz có kế hoạch sẽ đề cập đến việc thương thảo để mua hết 20% còn lại vào cuối năm 2016.

Kinh Đô sẽ rút hoàn toàn khỏi mảng bánh kẹo?

Sáng ngày 11/11/2014, CTCP Kinh Đô (HOSE: KDC) công bố thương vụ hợp tác đình đám với Mondelēz International - một trong những công ty thực phẩm lớn nhất thế giới.

KDC cho biết, khoản đầu tư của Mondelēz sẽ vào mảng kinh doanh bánh kẹo. Với giao dịch được đề xuất, Mondelēz sẽ đầu tư 7,864 tỷ đồng (370 triệu USD), tương ứng 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo đã được tái cấu trúc. Thông tin này sẽ được trình ĐHĐCĐ bất thường vào đầu tháng 12/2014 sắp tới.

Trước khi Mondelēz tiến hành đầu tư, KDC sẽ hoàn tất việc tái cấu trúc để hợp nhất các bộ phận kinh doanh bánh kẹo trở thành một doanh nghiệp - BKD (trừ bộ phận kinh doanh kem KIDO và sản phẩm từ sữa và chuỗi cửa hàng bánh bán lẻ).

Thương vụ được kỳ vọng sẽ hoàn tất vào quý 2/2015, tùy thuộc vào phê duyệt của cổ đông tại ĐHĐCĐ bất thường sắp tới.

Ông Tim Cofer, Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Đông Âu, Trung Đông và Châu Phi của Mondelēz, cho biết nếu thương vụ lần này hoàn tất, Mondelēz sẽ thương thảo trong giai đoạn tiếp theo để mua hết 20% còn lại ít nhất sau 12 tháng (tháng 12/2016 mới có thể bàn tiếp). Đây là khoản đầu tư bằng tiền trực tiếp của Mondelēz và không phải là khoản đầu tư tài chính thuần túy. Ông Tim Cofer chia sẻ thêm Mondelēz sẽ không thay thế các sản phẩm của KDC mà thực hiện theo chiến lược hai bên cùng phát triển công ty, mang lại thêm giá trị và lựa chọn cho người tiêu dùng Việt Nam.

Chi tiết về việc hợp tác của KDC và Mondelez trong mảng bánh kẹo như thế nào vẫn chưa được tiết lộ. Ông Tim Cofer cho biết vẫn phải chờ sự cho phép của các cấp chính quyền.

Cùng ngày, KDC cũng vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng 80% cổ phần CTCP Kinh Đô Bình Dương (BKD) cho nhà đầu tư nước ngoài là Mondelēz International cùng với quyền chọn mua cổ phần BKD còn lại. Cụ thể, giá chuyển nhượng trước thuế đối với 80% cổ phần BKD cho giao dịch chuyển nhượng cổ phần lần đầu là 7,847 tỷ và 1,962 tỷ đồng tính cho 20% cổ phần còn lại trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền mua, tổng cộng giá trị thương vụ là 9,809 tỷ đồng. HĐQT KDC sẽ trình ĐHĐCĐ chấp thuận cho Mondelēz International (hoặc công ty con của Mondelēz International là Cadbury Enterprises Pte. Ltd. – CEPL) đầu tư vào BKD thông qua việc KDC chuyển nhượng cổ phần sở hữu trong BKD cho Mondelēz sau khi hoàn tất việc tái cấu trúc.

Bước dọn đường

Trước đó, tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào giữa tháng 6/2014, KDC đã dọn đường sẵn cho thương vụ này thông qua phương án tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. KDC cho biết do bắt đầu tham gia vào các ngành nghề kinh doanh mới với quy mô ngành rất lớn nên công ty cần tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng bánh kẹo theo hướng quản lý tách bạch với các mảng khác, tập trung vào một công ty là BKD. Trong khi đó KDC sẽ tiếp tục điều hành lĩnh vực kinh doanh các mảng kinh doanh mới và các hoạt động kinh doanh khác.

Theo phương án này, KDC sẽ chuyển giao hoạt động kinh doanh bánh quy, bánh ngọt, bánh sữa và bánh kẹo nói chung sang BKD. Còn hoạt động kinh doanh Kinh Đô Bakery được chuyển giao Công ty TNHH MTV Kinh Đô Miền Bắc (NKD) sang KDC. Sau đó, KDC sẽ chuyển giao toàn bộ khoản đầu tư của mình trong NKD sang BKD. KDC sẽ tham gia góp vốn vào BKD bằng cách chuyển giao hoạt động kinh doanh bánh kẹo và giá trị khoản đầu tư của KDC trong NKD cho BKD. Ông Trần Kim Thành cho biết sau tái cấu trúc, vốn điều lệ của BKD sẽ là 1,300 tỷ đồng.

KDC sẽ sở hữu 99.8% BKD, trong đó, hoạt động chính của BKD là chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất kẹo, nước tinh khiết, nước ép trái cây, mua bán nông sản thực phẩm, công nghệ phẩm và vải sợi. Còn NKD do KDC sở hữu 100% vốn với hoạt động chính kinh doanh, chế biến thực phẩm, các loại đồ uống, rượu, thuốc lá và cho thuê nhà xưởng.

Cùng với kế hoạch rút lui trong mảng bánh kẹo (trước dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ giảm xuống còn 5-6% đến năm 2017 và việc tìm không gian mới cho sự phát triển là bài toán đặt ra cho HĐQT), KDC đã tham gia vào 3 ngành nghề kinh doanh mới thông qua các thương vụ M&A lớn.

Mì gói: Hợp tác toàn diện cùng Công ty TNHH Sài Gòn Vewong - đối tác có bề dày thâm niên và chuyên môn, công nghệ về mì gói với thương hiệu A-One. KDC đặt mục tiêu vào top 3 thị trường với doanh số tương đương ngành bánh kẹo của KDC hiện nay.

Dầu ăn: Thông qua đợt IPO và chào bán cho nhà đầu tư chiến lược của Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), KDC đã trở thành một trong hai đối tác chiến lược được lựa chọn nắm gần 39 triệu cp (tỷ lệ 32% vốn).

Cà phê: KDC sẽ hợp tác với PhinDeli để đưa mặt hàng cà phê ra thế giới.

* Thông qua M&A, Kinh Đô bước nhanh vào lĩnh vực Dầu ăn, Mì gói-Gia vị và Café

* Cổ phiếu Vocarimex hút nhà đầu tư, huy động thành công hơn 500 tỷ đồng

Mondelēz là một trong những công ty thực phẩm lớn nhất thế giới

Mondelēz International, Inc. (NASDAQ: MDLZ) là một trong những công ty thực phẩm của Mỹ lớn nhất thế giới với doanh thu ròng toàn cầu đạt 35 tỷ USD trong năm 2013. Sản phẩm của Mondelēz International đang có mặt tại khoảng 165 nước trên thế giới.

Theo Euromonitor, Mondelēz International đang nắm giữ thị phần vị trí số 1 toàn cầu về bánh quy, socola, kẹo và đồ uống cũng như vị trí số 2 về kẹo cao su và cà phê. Danh mục của Mondelēz bao gồm các thương hiệu trị giá 9 tỷ USD: Cadbury, Cadbury Dairy Milk and Milka chocolate, Jacobs, LU, Nabisco và Oreo, Tang, Trident. Danh mục này bao gồm 53 thương hiệu khác nhau tạo ra doanh thu hàng năm hơn 100 triệu USD.

Vào năm 2013, theo thông tin từ báo chí, Mondelēz đã đầu tư Dự án “Coffee Made happy” (Cà phê khởi nguồn hạnh phúc) với ít nhất hơn 200 triệu USD vào Việt Nam để hỗ trợ người trồng và kinh doanh cà phê tới năm 2020.

Còn Mondelēz Châu Á - Thái Bình Dương là một chi nhánh của Mondelēz International, hoạt động tại hơn 14 thị trường gồm Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philipines, Đài Loan và Việt Nam.

Được biết, Mondelēz tiền thân là Công ty thực phẩm Kraft Foods. Vào tháng 10/2012,
Kraft Foods chính thức tách thành 2 công ty: Mondelēz International, Inc. (the global snacks company) và Kraft Foods Group, Inc (the North American grocery products company).

Kraft Foods được thành lập từ năm 1903, cung cấp bánh kẹo, thức uống, pho mát, thực phẩm và thức ăn nhanh cho gần 170 quốc gia trên toàn thế giới. Tập đoàn đạt doanh thu 54.4 tỷ USD trong năm 2011. Các nhãn hiệu của Kraft Foods tạo doanh thu trên 1 tỷ USD hàng năm bao gồm Cadbury, Jacobs, Kraft, LU, Maxwell House, Milka, Nabisco, Oreo, Oscar Mayer, Philadelphia, Tang và Trident.

Trong đó, sản phẩm Ritz, Tang và TIGER gia nhập vào thị trường Việt Nam và được khá nhiều người tiêu dùng biết đến, đặc biệt là Oreo. Được biết, bánh quy Oreo khai trương từ năm 1912 người sáng lập ra Nabisco. Tới năm 2000, Công ty mẹ của Kraft Food – Philip Morris Inc – đã mua lại Nabisco.

Minh Hằng