TP.Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp thận trọng với mùa kinh doanh Tết

TP.Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp thận trọng với mùa kinh doanh Tết

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, năm nay, các chợ đầu mối sẽ cung cấp khoảng 60 - 70% lượng hàng hóa là rau, củ, quả, thủy sản; DN tham gia chương trình bình ổn đáp ứng 30 - 40% thị trường. Theo đó, tổng hàng hóa chuẩn bị cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết gần 16 tỷ đồng (tăng hơn 8 tỷ đồng so với cùng kỳ) tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.

Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan - cho biết, Vissan đã hoàn tất kế hoạch điều chỉnh mức tăng trưởng sản xuất và lượng hàng cung ứng; hướng tới mức doanh thu khoảng 670 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm ngoái, thấp hơn mức tăng bình quân nhóm hàng tiêu dùng dịp Tết trên 10%.

Theo đánh giá của Vissan, hiện xu hướng và thói quen tiêu dùng cũng như việc tích trữ hàng hóa không còn như trước đây, nên các DN phải nắm bắt điều này và không quá đặt nặng chỉ tiêu về sản lượng. Đó cũng là lý do năm nay Vissan đặt kế hoạch tăng trưởng thấp hơn cho nhóm hàng tiêu dùng Tết.

Với mặt hàng trứng gia cầm, Công ty TNHH Ba Huân dự kiến tăng lượng hàng hóa 20% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài chủ trương liên kết chăn nuôi với nông dân, công ty còn mở rộng sản xuất tại các trang trại công nghệ cao trên 500.000 gia cầm các loại nhằm chủ động 50% nguồn hàng.

Công ty CP phát triển thanh niên xung phong (Adeco) cũng đang lên kế hoạch cung cấp khoảng 150.000 quả trứng và 3.000 con gia cầm/ngày. Năm nay, do sức mua còn yếu, công ty không đặt nặng vấn đề tăng sản lượng mà quan trọng là nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm mới để giữ vững mục tiêu tăng trưởng… Thay vì tăng lượng hàng Tết khoảng 30% như mọi khi, dự kiến lượng hàng chỉ tăng chừng 10%. Bù lại sự sụt giảm về số lượng, mặt hàng mới của Adeco sẽ tập trung đánh vào tâm lý người tiêu dùng bằng mặt hàng gà ta phục vụ dịp Tết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn theo công nghệ mới: tươi - sạch, sáng mổ, chiều đến bàn ăn.

“Tình hình kinh tế vẫn đang khó khăn nên người tiêu dùng có phần “dè xẻn” trong chi tiêu, vì vậy, công ty không mạnh dạn sản xuất nhiều mà chỉ dự kiến đưa ra thị trường 500 tấn thực phẩm chế biến, tăng 5 - 10% so với Tết năm 2014 và tập trung vào 60 mặt hàng chủ lực. Với mức hàng hóa trên có thể nói là công ty đã mạo hiểm rồi” - đại diện Công ty Cổ phần Sài Gòn food chia sẻ.

Theo các DN, do nguồn hàng năm nay khá dồi dào, cộng với nguyên liệu đầu vào có phần ổn định nên trong dịp Tết Ất Mùi 2015, giá cả không có sự biến động nhiều. Để làm được điều này, các DN cho rằng, chủ yếu vẫn là tiết giảm tối đa nguồn chi phí, nguyên liệu đầu vào để hạ giá thành, chia sẻ với người tiêu dùng.

Thùy Dương

công thương