Khi doanh nghiệp bất động sản săn quỹ đất vàng

Khi doanh nghiệp bất động sản săn quỹ đất vàng

Trong các đợt IPO năm 2014, đã có những cuộc “se duyên” ngoài ngành khá ấn tượng giữa bất động sản với dệt may, hay cảng sông và cả thủy sản… Nhưng tất cả dường như đều quy tụ lại bởi một lý do duy nhất - đơn vị “bung” hàng có lợi thế về quỹ đất vàng.

Theo thống kê, trong năm 2014 có 111 đơn vị đăng ký đấu giá trên hai Sở GDCK, gồm cả thoái vốn và phát hành lần đầu ra công chúng (IPO), trong đó có 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) gồm BĐS Thanh Niên, BĐS Sài Gòn Vina, Đầu tư Địa ốc Bến Thành, BĐS Tổng Sáu... Điều đáng nói, số lượng nhà đầu tư đón nhận cổ phiếu của 5 doanh nghiệp này dù thành công nhưng cũng khá ít ỏi, chỉ đếm trên đầu ngón tay với mức giá trúng bình quân đa số bằng giá khởi điểm, tức xoay quanh mốc 10,000 đồng/cp.

Tổng Công ty TNHH MTV Địa ốc Sài Gòn (Resco) cũng là đơn vị tiến hành cổ phần hóa 3 công ty con và thoái vốn tại một số doanh nghiệp trong năm nay nhưng gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, nhiều dự án dang dở, chưa xong bồi thường giải phóng mặt bằng gây khó khăn trong việc định giá, xác định giá trị doanh nghiệp…

Ngược lại, nhóm những doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thì lại dễ dàng được các “ông lớn” bất động sản nhắm đến khi IPO như Vinatex, Casoco và Seaprodex.

Vinatex đã lọt vào mắt của Vingroup (HOSE: VIC), Tập đoàn lớn đang sở hữu và chi phối hơn 30 dự án bất động sản quy mô lớn tại khắp các đô thị và địa danh du lịch trên cả nước với chuỗi các thương hiệu thuộc dòng cao cấp như Vincom, Vinhomes, Vinpearl, Vinmec, Vincharm và Vinschool…

Novaland, tên tuổi bất động sản đang nổi tại TPHCM, rất nhạy với những vị trí đất chiến lược thì lựa chọn Casoco. Còn Seaprodex vào tay Geleximco - Tập đoàn có vốn 6,000 tỷ, đầu tư trong 4 lĩnh vực chính là bất động sản, sản xuất công nghiệp, tài chính ngân hàng và giáo dục.

Nhìn vào những tài sản, đặc biệt là quỹ đất sẵn có của những đơn vị dệt may, cảng sông hay thậm chí là thủy sản này, có thể thấy động thái của các ông chủ bất động sản không phải vì toan tính ngoài ngành mà đang săn lùng những quỹ đất tiềm năng cho hoạt động chính của mình.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mặc dù được đánh giá cao trong ngành. Đợt IPO vừa qua cũng khá rầm rộ và thu hút sự chú ý của giới đầu tư không chỉ trong nước mà có tới 30 nhà đầu tư  nước ngoài mua 55 triệu cổ phiếu và tương ứng 50% cổ phần đấu giá thành công. Nhưng ngay trước ngày IPO, Vinatex đón nhận hai cổ đông chiến lược ngoài ngành là VIC và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (V.I.D Group) khi mua lần lượt 10% (50 triệu cp) và 14% (70 triệu cp) vốn Vinatex.

Mặc dù thông báo cho hay, việc hợp tác chính yếu là để “cùng đưa Vinatex sau cổ phần hóa vươn xa và trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu". Mà cụ thể là Vinatex là sẽ cung cấp đầu vào cho công ty thời trang của VIC là Vinfashion cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh thông qua hệ thống phân phối rộng khắp cả nước của VIC. Nghĩa là việc hợp tác này phù hợp với định hướng của Vinatex gồm cả yếu tố thiết kế và phát triển thị trường nội địa, từ đó mở rộng xuất khẩu. Còn đối với V.I.D Group - tập đoàn phát triển cơ sở hạ tầng mạnh, đặc biệt là các khu công nghiệp (Quang Minh, Hà Nội - Đài Tư, Đồng Văn, Nam Sách…). Theo lãnh đạo Vinatex, một số khu công nghiệp của V.I.D Group có kinh nghiệm xử lý nước thải là yếu tố quan trọng, phù hợp với nhu cầu của Vinatex trong chiến lược phát triển (tập trung phát triển khâu nguyên liệu do đó cần hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn).

Nhưng, rõ ràng lợi thế quỹ đất của Vinatex được nhiều nhà đầu tư hướng đến hơn khi lý giải về câu chuyện kết hôn “Dệt may - Bất động sản” này. Vinatex sở hữu tới gần 491 ngàn m2 đất, trong đó có 81,875m2 đất tại Hà Nội và 3,743m2 tại TPHCM, còn lại rải rác ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Long An... Theo Vinatex, quỹ đất này cũng đảm bảo khả năng tăng vốn chủ sở hữu của Tập đoàn trong tương lai.

Diện tích đất Vinatex và các đơn vị trực thuộc đang sử dụng

Nguồn: Vinatex

Novaland cũng nhanh tay đăng ký “gom” toàn bộ 25% vốn ngay trong đợt IPO của Công ty TNHH MTV Cảng sông TPHCM (Casoco) mặc dù hoạt động kinh doanh của đơn vị này lẹt đẹt và tại thời điểm cổ phần hóa còn chịu lỗ lũy kế hơn 13 tỷ đồng.

Casoco có vốn điều lệ 330 tỷ đồng. Novaland lại là doanh nghiệp địa ốc lớn tại khu vực phía Nam, được biết đến với nhiều dự án lớn như Sunrise City, The Prince Residence, Tropic Garden, Lexington Residence, Icon 56, River Gate… này chỉ cần chi ra hơn 84 tỷ đồng, đã chính thức tăng nắm giữ đơn vị này 51% vốn, đủ sức chi phối hoạt động tại đây.

Nếu xét về đất đai, Casoco hiện đang thuê dài hạn (tới năm 2051 và 2063) hai lô đất tại quận 8, TPHCM với tổng diện tích 604,061 m2. Đáng chú ý là lô đất tại đường số 1, Hồ Học Lãm có diện tích 603,996 m2, trong đó diện tích sàn sử dụng gần 86,000 m2. Mục đích sử dụng đất tại đây của Sasoco là xây dựng cảng Phú Định. Lô thứ hai là 65m2 làm văn phòng. Với diện tích đất lớn này, nếu được khai thác thì rõ ràng là một mảnh đất “màu mỡ” đối với những doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực lớn.

Khác với hai thương vụ hợp tác trên vì chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể cho những bước đi sắp tới, tại Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), lãnh đạo thẳng thắn cho biết, bất động sản chính là ngành được Tổng công ty nhắm đến trong thời gian tới nhờ lượng “đất sạch” lớn.

Seaprodex có vốn điều lệ 1,250 tỷ đồng, bề dày hoạt động lên đến 36 năm (1978) trong ngành thủy sản, cơ khí đóng tàu thủy sản… với nhiều công ty con cùng lĩnh vực. Là đơn vị Nhà nước nên khi Seaprodex tham gia sâu vào thủy sản bị vướng về xuất khẩu (bị đánh thuế cao), và đây cũng là một trong những lý do khiến Seaprodex rẽ nhánh hoạt động theo lời của Tổng giám đốc Trần Tấn Tâm.

Theo bản công bố thông tin IPO, Seaprodex đang quản lý và sử dụng hơn 878 ngàn m2 đất tại 5 tỉnh thành trên cả nước. Tổng công ty đã lên kế hoạch đầu tư vào 6 dự án bất động sản là trung tâm thương mại và khách sạn.

Danh mục đất do Seaprodex đang sử dụng

Nguồn: Seaprodex

Mặc dù Seaprodex đã tham gia mảng cao ốc thương mại, văn phòng và khách sạn tại đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM cùng CTCP XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục. Vì thế, đợt IPO vừa qua của Seaprodex là cơ hội để Geleximco rút ngắn quy trình cũng như thuận lợi hơn trong việc xúc tiến xây dựng dự án này. Theo đó, CTCP XNK Tổng hợp miền Nam (thuộc Geleximco) và 2 cá nhân cũng thuộc đơn vị này đã gom mua 35% vốn trong đợt IPO của Seaprodex.

Trước mắt, Geleximco và Seaprodex sẽ cùng hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án trên với vốn đầu tư 1,400 tỷ đồng. Dự án bao gồm tòa nhà cao 20 tầng với tổng diện tích xây dựng khoảng 30,000 m2.

Thanh Nụ