Những chiến thuật đầu tư hiệu quả trong năm 2014

Những chiến thuật đầu tư hiệu quả trong năm 2014

Xuất hiện những chiến thuật đầu tư mới đem lại hiệu quả cao trong năm 2014, dựa trên những công cụ phân tích kỹ thuật quen thuộc.

Sử dụng nhóm MA như ngưỡng kháng cự/hỗ trợ di động

Nhóm MA (Moving Average) luôn đóng vai trò chủ đạo trong các nhóm chỉ báo kỹ thuật (technical indicators) vì nhóm này giúp nhà đầu tư nhận biết và đi theo (follow) xu hướng của thị trường.

Tuy nhiên, một vấn đề thường không được chú ý là nhóm này có thể hoạt động khá hiệu quả như là những ngưỡng kháng cự/hỗ trợ di động. Chiến lược mua vào khi giá test lại các đường MA, đặc biệt là các đường MA dài hạn đã đem lại lợi nhuận khá lớn cho các nhà đầu tư trong năm 2014. Theo quan sát của người viết thì chiến lược này đặc biệt phá huy hiệu quả ở những cổ phiếu Large Cap.

Một trong những ví dụ khá điển hình là trường hợp SMA50 của HPG. Đường SMA50 đã liên tục hỗ trợ tốt cho giá trong quá trình đi lên. Ngược lại, sau khi bị phá vỡ đường này cũng đóng vai trò kháng cự rất ”hiệu quả” khi 2 lần báo hiệu thành công sự đảo chiều giảm điểm của HPG trong tháng 11/2014 và tháng 12/2014.

Vì vậy, bên cạnh việc dùng nhóm MA để có cái nhìn chính xác hơn về xu hướng thị trường thì nhà đầu tư cũng có thể mua bán dựa trên các điểm test của giá với nhóm này.

Giao dịch theo khối ngoại

Khối ngoại liên tục lướt sóng trong khoảng 2 năm gần đây và thực tế số liệu đã cho thấy họ giao dịch khá hiệu quả. Do khối ngoại có ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng của thị trường Việt Nam nên việc nhiều nhà đầu tư giao dịch theo khối ngoại cũng đem lại những kết quả khả quan.

Giai đoạn tháng 03/2014 – giữa tháng 04/2014 và giai đoạn tháng 08/2014 đến nay, khối ngoại liên tục bán mạnh (SMA50 và SMA20 duy trì dưới 0) và sau đó thì các chỉ số thị trường như VN-Index, HNX-Index, VS100 lần lượt sụt giảm. Ngược lại, khối ngoại mua ròng rất mạnh vào giai đoạn cuối tháng 04/2014 – đầu tháng 05/2014. Sau đó, thị trường cũng bắt đầu một đợt phục hồi khá ấn tượng.

Một góc nhìn khác về vùng overbought/oversold

Nhà đầu tư thường có thói quen giao dịch là bán ra ngay khi các chỉ báo dao động vừa đi vào vùng quá mua (overbought) và mua vào ngay khi các chỉ báo dao động vừa đi vào vùng quá bán (oversold). Chiến lược giao dịch này chỉ có thể phát huy hiệu quả khi thị trường đi ngang (sideway), còn trong giai đoạn có biến động rất mạnh thì chiến lược này khó mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao. Giao dịch theo chiến lược này, nhà đầu tư dễ rơi vào tình thế mua/bán quá sớm so với đáy/đỉnh thực sự của cổ phiếu.

Một cách tiếp cận khác tỏ ra có hiệu quả trong năm qua là đợi đến khi các chỉ báo dao động rơi khỏi vùng quá mua (overbought) mới bán ra và các chỉ báo dao động vượt lên trên vùng quá bán (oversold) thì mới mua vào.

Có thể lấy một ví dụ khá điển hình trong năm qua là trường hợp của cổ phiếu VIC. Trong toàn bộ thời gian giao dịch của tháng 08/2014, VIC liên tục tăng trưởng mạnh và chỉ báo Stochastic Oscillator cũng duy trì liên tục trong vùng quá mua (overbought).

Nếu một nhà đầu tư mua vào theo tín hiệu mua của Stochastic Oscillator vào cuối tháng 07/2014 và lại bán ra ngay khi chỉ báo này vừa mới đi vào vùng overbought thì lợi nhuận thu được sẽ rất thấp (khoảng 5%). Nếu chờ đến khi Stochastic Oscillator rơi khỏi vùng overbought mới bán ra thì lợi nhuận sẽ lên đến gần 20%. Vì vậy, đây là một chiến lược đáng để học hỏi và sử dụng.

Cắt lỗ - Bài học không bao giờ cũ

Bài học cắt lỗ một lần nữa lại được nhắc đến với tần suất cao trong năm nay bên cạnh những phương pháp đầu tư mới. Khi mua cổ phiếu, điều mà chúng ta thường nghĩ đến đầu tiên là giá sẽ lên cao đến mức nào, hơn là ngưỡng cut loss sẽ là bao nhiêu.

Tuy nhiên, năm 2014 đã cho chúng ta một thực tế ngược lại: nên quan tâm đến ngưỡng cắt lỗ nhiều hơn. Nói cách khác, chiến lược quản trị rủi ro ngày càng trở nên quan trọng hơn tại thị trường Việt Nam khi mà những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc như GAS, PVD, ... đều đã điều chỉnh gần 50% so với mức đỉnh.

Nguyễn Quang Minh