Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh (VCSC): Năm 2015, VN-Index có thể đạt 636 điểm

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh (VCSC): Năm 2015, VN-Index có thể đạt 636 điểm

Đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô sắp tới khả quan, cùng với EPS tăng 9% và P/E thị trường ước đạt 14 lần, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dự báo chỉ số VN-Index trong năm 2015 có thể đạt 636 điểm, tăng trưởng 17%.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Trao đổi với người viết về triển vọng thị trường năm 2015, bà Quỳnh cho biết, theo Bloomberg thì P/E chung của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2015 là 12 lần và năm 2016 là 10 lần, thấp hơn khá nhiều so với khu vực, cụ thể thấp hơn chỉ số của Indonesia 35% và thấp hơn Malaysia17%. Điều này cho thấy thị giá cổ phiếu ở thị trường Việt Nam vẫn rẻ hơn và qua đó sẽ thu hút khối ngoại hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Còn theo phân tích của Bản Việt, P/E ở mức 14 lần là hợp lý với điều kiện kinh tế hiện nay hơn, qua đó mang lại tiềm năng tăng trưởng 17% đối với chỉ số VN-Index trong năm 2015, ứng với mốc 636 điểm, cao hơn so với tăng trưởng EPS của thị trường nói chung là 9% và P/E của thị trường do Bản Việt dự báo (14 lần).

Theo đó, các ngành và các cổ phiếu có tiềm năng gồm:

Bà Quỳnh chia sẻ tình hình nhà đầu tư mở tài khoản mới tại Bản Việt năm qua rất khả quan và tỷ lệ tài khoản giao dịch tại công ty trong những ngày đầu năm mới khá sôi động. Xét đến tình hình sử dụng margin, Bản Việt vẫn còn hạn mức dư nợ margin để đáp ứng cho nhu cầu nhà đầu tư và mọi điều vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Đến cuối năm 2014, Bản Việt không có khoản nợ xấu nào liên quan đến margin.

Thứ nhất, ngành hàng tiêu dùng với ưu điểm là sức mua cải thiện và chi phí sản xuất giảm. Cụ thể, VNM nổi bật với việc giá sữa bột đang giảm mạnh tạo nhiều thuận lợi cho năm 2015. Bản Việt dự phóng P/E năm 2015 của VNM là 14 lần, khá hấp dẫn so với các cổ phiếu trong ngành, nhưng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại luôn phủ kín là một rào cản để nhà đầu tư ngoại mua cổ phiếu VNM. Cùng với đó, mã chứng khoán MWG cũng đáng lưu tâm với việc tích cực mở thêm các cửa hàng mới và tăng trưởng lợi nhuận đạt 30% trong năm 2015.

Thứ hai, ngành ngân hàng, bảng cân đối kế toán các ngân hàng đã cải thiện rất nhiều sau hai năm nỗ lực tái cơ cấu. Trong đó, VCB vượt trội so với các ngân hàng khác nhờ tích cực xử lý nợ xấu và BID cũng có thể lựa chọn để đầu tư.

Thứ ba, ngành công nghiệp – bao gồm lĩnh vực vật liệu xây dựng đã sẵn sàng đón lấy cơ hội từ thị trường bất động sản và hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước đang diễn ra sôi động. HT1, HPGDPM là những cổ phiếu được gợi ý đầu tư.

Cuối cùng, cổ phiếu ngành dầu khí, nếu tin tưởng giá dầu thế giới sẽ phục hồi trở lại, nhà đầu tư có thể mua các mã cổ phiếu dầu khí hiện đã sụt giảm khá nhiều. Trong đó, đặc biệt có PVD là công ty hoạt động tốt nhất trong ngành, chi phí khai thác dầu thấp duy trì các hợp đồng khoan, nhưng rủi ro giá cho thuê ngày giảm.

Điểm nhấn dòng tiền năm 2014 đến từ đâu?

Trong năm 2014, dòng tiền cải thiện rõ rệt là điều không thể phủ nhận, thanh khoản bình quân mỗi phiên đạt trên 3,000 tỷ đồng, gấp đôi năm trước. Bình luận về điều này, bà Quỳnh cho rằng, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán gia tăng đáng kể trong năm 2014 đến từ những nguyên nhân sau:

(1) Tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng thể hiện qua GDP tăng 5.98%, lạm phát thấp chỉ có 1.84%, sản xuất công nghiệp đạt mức cao nhất từ năm 2010, thặng dư thương mại đạt 2 tỷ USD, FDI đăng ký đạt 20 tỷ USD với tỷ lệ giải ngân tăng 7%, lãi suất thấp, tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định.

(2) Hệ thống ngân hàng ổn định thể hiện qua việc Moody’s nâng hạng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ tiêu cực sang ổn định.

(3) Nhà đầu tư nhìn thấy được sự ổn định và quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, xử lý tồn đọng trong hệ thống ngân hàng.

Mỹ Hà ghi