Điểm sáng xuất khẩu, “quả ngọt” của sự nỗ lực

Điểm sáng xuất khẩu, “quả ngọt” của sự nỗ lực

Năm 2014, với kim ngạch xuất khẩu (XK) vượt ngưỡng 150 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 2,15 tỷ USD. Năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Đây là “quả ngọt” của sự nỗ lực vượt khó không ngừng của cả nền kinh tế.

 

Năm 2012, lần đầu tiên sau 20 năm, Việt Nam xuất siêu 749 triệu USD. Ở thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là kết quả tức thời, không có giá trị lâu dài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, liên tục 3 năm sau đó, xuất siêu đã được duy trì với con số ngày càng “đẹp” hơn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2012, cả nước xuất siêu 749 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 863 triệu USD và năm 2014 xuất siêu 2,15 tỷ USD.

Kết quả này càng có ý nghĩa hơn khi đặt trong bối cảnh năm 2014 là năm khó khăn của nền kinh tế. Giá một số mặt hàng XK sụt giảm, đồng thời nhiều rào cản đối với hàng hóa của Việt Nam gia tăng đã có những tác động nhất định đến hoạt động XK của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng với nỗ lực của các hiệp hội, DN, XK đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Tổng kim ngạch XK 150,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2013; có 23 nhóm hàng gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô”.

Một trong những điểm đáng ghi nhận: XK sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp đã giảm dần, XK đã tập trung mạnh vào các nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong đó có nhiều nhóm hàng có tỷ lệ chất xám cao như điện thoại, máy tính… Đặc biệt, ngành dệt may năm 2014 không những đạt kim ngạch kỷ lục (24,5 tỷ USD), đứng thứ hai trong những mặt hàng XK chủ lực (sau điện thoại và linh kiện) mà còn đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%, dần xóa bỏ định kiến cho rằng đây là ngành mang lại giá trị gia tăng rất thấp.

Nông, lâm, thủy sản- nhóm hàng truyền thống của nước ta đã có một năm “vượt khó” thành công khi kim ngạch đạt khoảng 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013, mang lại thặng dư khoảng 9,5 tỷ USD cho nền kinh tế, tăng 7,7% so với năm trước (số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Điều đáng nói là trong những tháng đầu năm 2014, sự sụt giảm về cả kim ngạch và giá của nhóm hàng này đã thực sự gây lo ngại. Những cuộc họp liên ngành liên tiếp được tổ chức, hàng loạt những hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn cho thị trường đã diễn ra… Cộng với sự nỗ lực không ngừng của các DN, XK của nhóm nông, lâm, thủy sản đã “cán đích” thành công. Ngoài những mặt hàng truyền thống như cà phê, thủy sản…, năm 2014 còn đánh dấu sự bứt phá của nhiều mặt hàng mới như: rau quả, đồ gỗ… Đặc biệt, hạt tiêu đã chính thức gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô”.

 

Năm 2014, một trong những mục tiêu lớn của XK là đa dạng hóa thị trường. Mục tiêu này đã được thực thi khá tốt khi các thị trường khu vực châu Phi, châu Mỹ La tinh, vùng Caribe đều có mức tăng trưởng kim ngạch XK vượt trội.

Năm 2014, một trong những mục tiêu lớn của XK là đa dạng hóa thị trường. Mục tiêu này đã được thực thi khá tốt khi các thị trường khu vực châu Phi, châu Mỹ La tinh, vùng Caribe đều có mức tăng trưởng kim ngạch XK vượt trội, lần lượt đạt khoảng 10% và 37,8%. Cá biệt, nhờ những tác động tích cực của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới được ký kết như FTA Việt Nam- Chi lê, kim ngạch XK sang thị trường này đã tăng hơn gấp đôi. Cuối năm 2014, FTA Việt Nam- Liên minh Hải quan Belarus – Kazachstan - Nga đã kết thúc đàm phán. Đây sẽ là cơ hội mở ra những hợp tác thương mại với các thị trường được đánh giá là mới nhưng đầy tiềm năng này.

“Quả ngọt” của hoạt động XK năm 2014 còn được thể hiện ở mối tương quan giữa kim ngạch XK và nhập khẩu. Theo kế hoạch đề ra đầu năm 2014, con số nhập siêu năm 2014 được cho phép ở mức 6% tổng kim ngạch XK, nhưng thực tế đã xuất siêu. Điều này cho thấy nỗ lực phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất và công nghiệp hỗ trợ đã có những kết quả khả quan, cũng như chủ trương ưu tiên sử dụng hàng hóa được sản xuất trong nước đã được thực thi nghiêm túc. Trong Lễ tổng kết 2 năm thỏa thuận sử dụng hàng hóa của nhau của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng có tỷ lệ sử dụng trong nước lên đến 80%. Đặc biệt, việc ưu tiên sử dụng hàng hóa của nhau hoàn toàn không phải do bắt buộc mà thực sự hàng hóa sản xuất trong nước đã có sự cạnh tranh mạnh cả về chất lượng và giá cả.

Theo các chuyên gia, việc Việt Nam có thể chấm dứt chuỗi xuất siêu sau một thời gian dài hoàn toàn không phải là sự đi xuống của nền kinh tế. Bởi lẽ, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc nhập siêu phục vụ sản xuất là việc bình thường. Thêm nữa, việc nhập siêu nguyên liệu sản xuất để tận dụng các FTA có hiệu lực kỳ vọng sẽ tạo ra những bước tiến mạnh của nền kinh tế trong tương lai.

Lan Phương

CÔNG THƯƠNG