Tổng công ty công nghiệp Tàu thủy: Hai ngày tái cơ cấu một doanh nghiệp

Tổng công ty công nghiệp Tàu thủy: Hai ngày tái cơ cấu một doanh nghiệp

Mặc dù theo kế hoạch năm 2015, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) phải tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ, nhưng cùng lúc họ phải tái cơ cấu đến 155 công  ty con, công ty cháu, nghĩa là cứ hơn hai ngày tổng công ty này phải tái cơ cấu một doanh nghiệp.

Theo kế hoạch đề ra từ đầu, SBIC phải tái cơ cấu, “dọn dẹp” tại 264 doanh nghiệp là các công ty con, công ty cháu, công ty liên doanh, liên kết được thành lập ồ ạt trong nhiều năm trước, thời điểm SBIC còn là Tập đoàn Vinashin.

Năm 2014, SBIC không phát sinh thêm lỗ nhưng vẫn còn 2188 tỉ đồng tiền nợ phải xử lý Ảnh:TL

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch hội đồng thành viên SBIC, đến nay, sau hơn bốn năm SBIC vẫn còn 155 doanh nghiệp phải thực hiên tái cơ cấu trong năm 2015. Đây cũng là năm mà SBIC tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nợ đợt 2 để giảm lỗ và cổ phần hóa công ty mẹ.

Ông Sự cho biết, đến hết năm 2014, SBIC đã giảm đầu mối được 97 đơn vị. Ngoài ra, còn có 20 doanh nghiệp mà SBIC sở hữu dưới 20% vốn điều lệ. Theo SBIC, đây là các khoản đầu tư tài chính chứ không phải là công ty con hay công ty liên kết nên tổng công ty đã báo cáo bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho đưa số doanh nghiệp này ra khỏi diện phải tái cơ cấu nhằm thoái vốn vào thời điểm thích hợp. Không kể 20 doanh nghiệp này, SBIC vẫn còn 155 doanh nghiệp phải thực hiện tái cơ cấu trong năm 2015; trung bình cứ hơn hai ngày SBIC phải tái cơ cấu một doanh nghiệp.

Tính ra trong vòng bốn năm qua mới chỉ có hơn 100 doanh nghiệp thuộc SBIC được thoái vốn, phá sản, bán và chuyển giao sang các đơn vị khác.

Thống kê của SBIC cũng cho thấy, hiện họ đã rút được vốn từ 60/65 doanh nghiệp có kèm theo cái tên Vinashin trước đây.

SBIC cũng đã đề nghị Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhận chuyển giao một số doanh nghiệp nhưng trong danh sách 73 doanh nghiệp thuộc họ Vinashin mà SBIC mời SCIC chỉ nhận 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Đầu tư và xuất nhập khẩu công nghiệp tàu thủy.

SBIC cũng muốn thực hiện phá sản tại 10 doanh nghiệp và đã gửi hồ sơ xin phá sản 5 doanh nghiệp lên tòa án đề nghị hướng dẫn. Trong danh sách này có Công ty TNHH MTV Đóng tàu Đà Nẵng, Công ty CP Công nghệ điện Nam Triệu, Công ty CP Thương mại, dịch vụ Tân Việt Hoàng và Công ty CP Nuôi trồng chế biến thực phẩm Nam Triệu. Việc thực hiện các thủ tục phá sản này vẫn tiếp diễn trong năm 2015.

Vấn đề khác của SBIC là phải tiếp tục cổ phần hóa một số doanh nghiệp trong năm 2015, trong đó có công ty mẹ. Nay đã có hai công ty gồm Tôn Vinashin và Công ty TNHH MTV cảng Chân Mây đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuẩn bị bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, với SBIC cần phải chọn doanh nghiệp khó nhất để cổ phần hóa, coi đó làm bước đột phá, mở đường để cổ phần hóa các công ty khác. Do vậy, Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long đã được chọn triển khai các thủ tục IPO. SBIC đã trình bộ GTVT hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty đóng tàu Hạ Long để phê duyệt. Bên cạnh đó 6 doanh nghiệp khác đang làm việc với tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp như Công ty đóng tàu Hạ Long.

Song cái khó nhất hiện nay để cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc SBIC là do các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, vốn chủ sở hữu bị âm, có nơi âm từ vài trăm đến cả ngàn tỉ đồng. Để đủ điều kiện cổ phần hóa, các doanh nghiệp phải xử lý tài chính để có vốn dương. Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ tại một số doanh nghiệp hiện vẫn còn rất lớn và cân bằng vốn để tái cơ cấu vẫn chưa thực hiện được.

SBIC đã xin Chính phủ chủ trương cho bán 70% cổ phần của Công ty đóng tàu Sông Cấm cho đối tác Damen (Hà Lan) nhằm có thêm nguồn tiền trả nợ. Nếu chủ trương này đuợc thông qua thì ngay trong quí 1 năm nay, hai bên sẽ kết thúc đàm phán về việc mua bán này.

Xem thêm tại đây

Lan Nhi

tbktsg