Góc nhìn 31/03: Hầu hết cổ phiếu đã về ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn

Góc nhìn 31/03: Hầu hết cổ phiếu đã về ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn

Đà giảm vẫn chưa dứt, thậm chí có xu hướng mở rộng về cuối phiên với áp lực cung trải rộng trên toàn thị trường. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, hầu hết các mã đều đã về các ngưỡng hỗ trợ trong ngắn hạn và đây có thể là một yếu tố kích thích lực mua, qua đó giúp làm suy yếu đà giảm của chỉ số.

Có thể bắt đáy

CTCK Bảo Việt (BVS): Thị trường vẫn chưa dứt đà giảm khi VN-Index giảm phiên thứ sáu liên tiếp. Đáng chú ý đà giảm có xu hướng mở rộng về cuối phiên ngày 30/03 với áp lực cung trải rộng trên toàn thị trường.

Động thái rút vốn của quỹ ETF đang là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hoạt động bán ròng của khối ngoại. Mặc dù quy mô của hai quỹ ETF đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam không lớn (chỉ chiếm khoảng 4% giá trị vốn hóa thị trường) nhưng mức độ tập trung cao trong các lệnh mua/bán và hành động nhất quán trong một thời gian đủ dài đã khiến thị trường tạo xu thế tiêu cực trong ngắn hạn.

Thêm vào đó, cả hai chỉ số cũng đang về các vùng giá hấp dẫn có thể thu hút lực cầu bắt đáy trong nước. BVS khuyến nghị nhà đầu tư xem xét bắt đáy một phần danh mục với sự tập trung vào các mã có cơ bản tốt.

Đà giảm của chỉ số bắt đầu suy yếu

CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS): Thị trường mở đầu tuần giao dịch mới với những thông tin không tích cực từ khối ngoại. Xu hướng các quỹ ETF bị rút tiền vẫn đang tiếp diễn. Chỉ trong vòng 2 tuần, quỹ VNM ETF và FTSE Vietnam ETF đã bị rút hơn 1,200 tỷ đồng. Khối này vẫn đang bán ròng các mã lớn, bao gồm mã dầu khí.

Trong khi đó đối tượng được mua ròng là những mã ngành bất động sản và xây dựng. Mặc dù giao dịch của khối ngoại chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng việc bán ròng ở những mã lớn đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường.

Tổng giá trị giao dịch vẫn đang ở mức cao, nhưng lượng giao dịch thỏa thuận đang tăng mạnh, một dấu hiệu cho thấy sự thiếu tích cực của thị trường. Hiện tại giá nhiều cổ phiếu đang giảm về mức thấp trong vòng nhiều tháng qua. Đây có thể là một yếu tố kích thích lực mua, qua đó giúp làm suy yếu đà giảm của chỉ số.

Giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE): Thị trường chứng khoán Việt Nam không phải là ngoại lệ trong đợt điều chỉnh giảm gần đây của các thị trường trên thế giới. Thanh khoản tiếp tục giảm trên HOSE và nằm dưới mức trung bình cho thấy dòng tiền đang hoạt động khá cầm chừng và thận trọng

Quan trọng, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì việc bán ròng trong phiên 30/03 với khối lượng bán ròng trên 5 triệu cổ phiếu, tương ứng 142 tỷ đồng. Kết quả bán ròng mạnh của khối ngoại trong ngày 30/03 phần lớn là do sự “đóng góp” từ các hai quỹ V.N.M và FTSE.

MBKE khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng với tiền để phù hợp hơn với tình trạng hiện nay của thị trường. Việc điều chỉnh tỷ lệ có thể chờ đợi một đợt hồi kỹ thuật trong các phiên tới để thực hiện.

Đứng ngoài quan sát thị trường

CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Phiên đầu tuần tiếp tục diễn ra không mấy suôn sẻ. Kịch bản phiên sáng khá cân bằng với lượng cung cầu ổn định và phiên chiều lao dốc mạnh về điểm số tiếp tục diễn ra.

Áp lực bán ròng của khối ngoại, tập trung mạnh vào nhóm các cổ phiếu Bluechips khiến dòng tiền khối nội gần như mất hút trong cả phiên giao dịch do tâm lý thận trọng tiếp tục dâng cao. VN-Index chính thức lùi xuống dưới mốc 550 điểm. Nhiều mã trụ cũng lùi sâu về dưới các ngưỡng hỗ trợ trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh cung ngoại tiếp tục lấn át, trong khi lượng cầu nội đang tiếp tục tỏ ra yếu ớt, những diễn biến tích cực từ tình hình kinh tế vĩ mô dường như bị lu mờ. Xu thế này chưa biết khi nào kết thúc và lúc này nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát, chờ những tín hiệu tích cực cụ thể trở lại trước khi quay lại thị trường.

Minh Tuấn tổng hợp