Tại sao V.N.M bất ngờ thêm KBC, KDC và xu hướng của khối ngoại?

Tại sao V.N.M bất ngờ thêm KBC, KDC và xu hướng của khối ngoại?

Ngày 14/3, Quỹ đầu tư Van Eck đã công bố danh mục mới. Điểm bất ngờ của lần review này là V.N.M ETF đã thêm mới KBCKDC vào rổ Market Vietnam Index cũng như nâng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam lên 77.5%.

KBC và KDC vào rổ tính Market Vectors Vietnam Index từ 20/03, 2 cổ phiếu nước ngoài bị loại

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Điệp – Thành viên điều hành Môi giới và Tư vấn chứng khoán, CTCK Vndirect (VND) nhìn nhận: “V.N.M ETF đã áp dụng ngoại lệ tương tự với trường hợp của MSN để đưa KBC và KDC vào rổ danh mục”.

Ông cũng cho rằng, việc thêm mới hai cổ phiếu Việt Nam sẽ là động lực cho dòng vốn ngoại cũng như tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư, qua đó đưa chỉ số sớm vượt mốc 600 điểm trong thời gian tới.

Với vấn đề tại sao thêm mới KDC và KBC vào danh mục, ông Điệp nhìn nhận, do tính chất và những quy định của quỹ này. V.N.M là một ETF khá tuân thủ sự minh bạch và các luật lệ của quỹ. V.N.M ETF đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết trên hai sàn chứng khoán Việt Nam và các cổ phiếu nước ngoài. Trong đó, các cổ phiếu nước ngoài này phải là các công ty có ít nhất 50% doanh thu đến từ Việt Nam hoặc có vị thế lớn ở thị trường Việt Nam.

Tỷ trọng phân bổ là các cổ phiếu Việt Nam chiếm ít nhất 70%, các cổ phiếu nước ngoài chiếm tối đa 30%.

Ngoài ra, có một điều kiện quan trọng khác là tổng số lượng cổ phiếu trong danh mục không nhỏ hơn 25. Khi cổ phiếu Garmuda Berhad và Parkson Holdings Berhad bị loại ra do vi phạm tiêu chí của quỹ, số lượng cổ phiếu chỉ còn 24, như vậy, bắt buộc V.N.M ETF sẽ phải tìm kiếm các cổ phiếu khác thay thế.

Nếu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, KBC và KDC đều chưa hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí. Cụ thể, theo tiêu chí thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân ngày trong 3 tháng liên tiếp và trong 2 kỳ soát xét trước đó, phải lớn hơn 1 triệu USD Mỹ. KBC và KDC đều thiếu kỳ cách đây 6 tháng. Thế nhưng, cũng giống như trường hợp của MSN trong quá khứ, V.N.M ETF đã áp dụng ngoại lệ. Do phải đủ 25 cổ phiếu, nên họ đã bắt buộc thêm mới KBC và KDC.

Về việc V.N.M ETF nâng tỷ trọng đầu tư cổ phiếu của Việt Nam lên 77.5%, theo ông Điệp là do tính chất của quỹ với tỷ trọng đầu tư của một cổ phiếu nước ngoài trong danh mục, không được lớn hơn 4.5%. Việc loại Garmuda và Parkson, danh mục chỉ còn 5 cổ phiếu nước ngoài. Như vậy tổng tỷ trọng của 5 cổ phiếu này là 22.5%. Rất dễ hiểu, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam còn lại là 77.5%.

Đánh giá về ảnh hưởng của đợt đảo danh mục, cũng như về xu hướng dòng tiền của khối ngoại trong thời gian tới, ông Điệp cho biết, do hầu hết các mã cổ phiếu trong cả hai quỹ đều được mua thêm. Trong khi đó, những mã bị bán ròng thì số lượng không lớn. Đây là tín hiệu khá tích cực, có giá trị nâng đỡ thị trường chung.

Tuy ETF là một hình thức nặng về kỹ thuật nhưng nó cũng phần nào mang tính chỉ báo xu hướng dòng tiền. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đang khá lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam do kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách ngày càng mở cửa, đang là điểm tựa cho khối ngoại. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu cơ bản (trong đó chủ yếu là dầu thô), đang ở vùng thấp, cũng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho nền kinh tế, cho nhiều doanh nghiệp sản xuất.

Nếu so sánh với các nước trong khu vực, giá cổ phiếu Việt Nam đang ở mức hợp lý, hấp dẫn để đầu tư. Ông Điệp cho biết thêm, những ngày gần đây, thị trường đang rộ lên những thông tin về việc một vài quỹ huy động được số tiền rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu điều này là hiện thực, dòng tiền sẽ còn đổ mạnh hơn nữa vào thị trường chứng khoán Việt Nam và bứt phá khỏi vùng tích lũy 600 điểm.

Duy Hoàng ghi