Thị trường giảm do khối ngoại bán ròng?

Thị trường giảm do khối ngoại bán ròng?

Theo ý kiến các chuyên gia, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư trong nước đang yếu, việc khối ngoại bán ròng đang gây tiêu cực lên thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu tháng 3 đến nay đã xấu đi rất nhiều khi VN-Index liên tục đi xuống từ vùng 590 đến lùi về sát mốc 560, tương ứng giảm hơn 5%. HNX-Index giảm gần 3%, từ 85.5 điểm về 83.3 điểm.

* Đột ngột rút mạnh gần 20 triệu USD khỏi Market Vectors Vietnam ETF

Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Khối phân tích CTCK Bảo Việt (BVS) nhận định, thị trường suy giảm với nguyên nhân chính là khối ngoại bán ra gây ra tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nội. Lực cầu của khối ngoại đến từ 2 nguồn chính là ETF và các quỹ ngoại. Hiện tại các ETF đang mở rộng bán ra do nhu cầu rút chứng chỉ quỹ, trong khi đó, các quỹ ngoại khác mua vào, tuy nhiên lực mua này không mạnh như lực bán của các ETF.

Trên quan điểm cá nhân của ông Bình, mốc 560 là khá bền vững, theo đó sẽ có những nhịp hồi lại trong 1 hoặc 2 phiên tới. Ông cho rằng nhà đầu tư hiện tại vẫn có thể giải ngân mua vào.

Danh mục đầu tư hiện tại nên chia làm 2 phần, một phần đầu tư dài hạn và một phần trading ngắn hạn. Đối với chiến lược trading ngắn hạn có thể mua vào để bình quân giá. Những cổ phiếu tốt thuộc nhóm Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán có thể quan tâm giải ngân, bên cạnh đó, những cổ phiếu đã giảm mạnh gần đây cũng nên xem xét giải ngân.

Về ngắn hạn, ông Lê Vương Hùng – Giám đốc môi giới của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng khi VN-Index liên tục thủng 2 mốc hỗ trợ quan trọng là 575 và 570 điểm, thì ngưỡng hỗ trợ quan trọng tiếp theo chính là 565 điểm, tương ứng với đường MA300. Đây được xem như chốt chặn cuối cùng để nhận định xu hướng dài hạn của thị trường liệu còn được giữ vững hay không.

Trường hợp xấu nhất thủng hỗ trợ cứng 565 điểm, VN-Index sẽ lùi về vùng 540-545 điểm, đáy dài hạn hình thành từ tháng 8/2013.

Theo ông Hùng, đà giảm mạnh của thị trường từ đầu tháng 3 là không đáng lo ngại vì cơ bản thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu hẳn lực đỡ từ nhà đầu tư nước ngoài trong khi dòng tiền nội cũng có nhiều phần suy yếu. Đối chiếu với thống kê giao dịch của những năm trở lại đây, điều này khá đối nghịch khi thường trong giai đoạn sau tết thị trường sẽ nhận được trợ lực lớn từ khối ngoại mà gia tăng vượt bậc.

Về góc nhìn dài hạn, ông Hùng cho biết những chính sách mới vừa được ban hành như Thông tư 36 hay Thông tư 210 sẽ làm các công ty chứng khoán khó tiếp cận được nguồn vốn hơn. Song về dài hạn chính những chính sách này sẽ hạn chế dần dòng tiền nóng vào thị trường như giai đoạn năm 2006-2007, thay vào đó sẽ hỗ trợ tích cực và giúp thị trường vận hành trơn tru và an toàn hơn rất nhiều.

Phân tích về thị trường hiện tại, ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) cho rằng xuất phát từ tâm lý nhà đầu tư trong nước đang xuống thấp nên việc khối ngoại quay trở lại bán ròng khiến cho thị trường càng xấu đi.

Ngoài ra, thông tin nhà đầu tư bất ngờ rút mạnh tới 17.78 triệu USD khỏi Market Vectors Vietnam ETF trong tuần thực hiện cơ cấu danh mục từ ngày 16-20/03 cũng tác động không nhỏ.

Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh rằng hiện áp lực bán hầu như tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu nhỏ cũng bị bán nhưng không quá mạnh nên thị trường giảm rất nhanh. Nhà đầu tư nhỏ lẻ đang còn sử dụng margin thì nên tìm cách đưa về tỷ lệ an toàn.

Hoàn toàn đống ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Phòng Phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cũng cho rằng khi tâm lý nhà đầu tư trong nước đang yếu thì chỉ cần nhìn thấy khối ngoại bán ròng là lập tức trong nước cũng bán ra. Từ đầu phiên 24/03 thì bên cạnh khối ngoại bán ra (hôm nay có thể bán ròng), lực bán trong nước tỏ ra chiếm ưu thế hơn.

Ngoài ra, tâm lý thị trường chung vẫn đang chờ đợi kết quả về Thông tư 210.

Theo ông Lâm, trong ngắn hạn thị trường đã bước vào giai đoạn down trend, do đó nếu xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật thì nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng bớt, giảm luôn margin nếu có, đợi thị trường về vùng 550 rồi mới có động thái tiếp theo.

Sanh Tín -  Đức Phương - Duy Hoàng