Tín hiệu phân kỳ giá xuống vừa xuất hiện có đáng lo ngại?

Tín hiệu phân kỳ giá xuống vừa xuất hiện có đáng lo ngại?

Phân kỳ vốn được coi là tín hiệu cảnh báo (alert signal). Vì vậy, sự xuất hiện của nó trong một xu hướng tăng chỉ là cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng với rủi ro ngắn hạn chứ không phải là một tín hiệu xác nhận xu hướng đã đảo chiều.

Phân kỳ (Divergence) là gì?

Phân kỳ (Divergence) là tín hiệu xuất hiện khá phổ biến trên thị trường. Phân kỳ có thể chia làm 2 loại là phân kỳ giá lên và phân kỳ giá xuống.

Phân kỳ giá lên là hiện tượng giá liên tục giảm và tạo đáy sau thấp hơn đáy trước (Lower Lows), trong khi đó chỉ báo dao động lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước (Higher Lows). Đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy xu hướng giảm đang yếu dần và khả năng giá đang hình thành đáy là khá cao.

Phân kỳ giá xuống là hiện tượng giá liên tục tăng và tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước (Higher Highs), trong khi đó chỉ báo dao động lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước (Lower Highs). Đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy xu hướng tăng đang yếu dần và khả năng giá đang hình thành đỉnh là khá cao. Đây chính là tín hiệu đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây.

Phân kỳ hiện tại mạnh đến mức nào?

Tín hiệu phân kỳ giá xuống hiện tại của VN-Index có hai điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, tín hiệu này hình thành giữa VN-Index và khá nhiều chỉ báo. Từ Relative Strength Index đến Stochastic Oscillator, +DI đều đang cho phân kỳ giá xuống với VN-Index.

Thứ hai, các phân kỳ giá xuống này đều hình thành ở gần hoặc ở trong vùng overbought nên độ tin cậy cao.

Điều này làm gia tăng tính dự báo của các phân kỳ một cách đáng kể.

Có nên lo ngại quá mức?

Các phân kỳ giá xuống xuất hiện không có nghĩa là VN-Index chắc chắn sẽ quay đầu giảm điểm ngay vì về bản chất phân kỳ chỉ là một tín hiệu cảnh báo khả năng đảo chiều xu hướng chứ không phải là tín hiệu mua bán (buy/sell signal). Do đó, việc bán mạnh để thoát hàng bằng mọi giá là chưa cần thiết nếu chỉ mới xuất hiện tín hiệu phân kỳ như hiện tại.

Nhóm MA dài hạn (SMA100, SMA200…) đã hỗ trợ tốt cho VN-Index trong những phiên giao dịch gần đây. Nhóm này đang duy trì trong vùng 578 – 586 điểm và nếu tiếp tục trụ vững thì xu hướng tăng trưởng dài hạn vẫn được duy trì.

Nhà đầu tư chỉ nên bán ra một phần danh mục để phòng ngừa rủi ro ngắn hạn. Phần còn lại nên chờ đợi những tín hiệu khác để xác nhận chắc chắn hơn.

Khi nào thì nên mua mạnh trở lại?

Thứ nhất là VN-Index cần duy trì và tích lũy bên trên các đường MA dài hạn (SMA100, SMA200, SMA300) thêm một thời gian nữa để khẳng định sự chắc chắn của nhóm này.

Thứ hai, khối ngoại mua ròng trở lại trong vòng ít nhất 3 phiên liên tiếp. Tính đến phiên ngày 10/03/2015 thì khối ngoại đã có 4 phiên bán ròng mạnh liên tiếp. Điều này làm gia tăng sự lo ngại về khả năng điều chỉnh của VN-Index.

Trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư chỉ nên mua vào ở mức vừa phải và hạn chế đua lệnh để phòng ngừa rủi ro giảm điểm sâu.

Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock