Ông Nguyễn Hồng Điệp: Không cần “tất tay” dù cổ phiếu đã về vùng đáy

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Không cần “tất tay” dù cổ phiếu đã về vùng đáy

Muốn thị trường đi lên bền vững, ngoài việc cổ phiếu rẻ, cần phải xuất hiện dòng tiền, cho nên không cần thiết phải “tất tay” dù cổ phiếu đã trở về vùng đáy. Đó là nhận định của ông Nguyễn Hồng Điệp – Thành viên điều hành Môi giới và Tư vấn CTCK VNDirect (VND) về quý 1 và dự báo cho quý 2.

Cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường trong quý 2

Các cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá đặc biệt khi gia tăng mạnh và dẫn dắt đầu quý 1/2015 nhưng về cuối quý dường như đang mất hút. Ông Điệp nhận xét, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang đi vào những giai đoạn quyết liệt nhất. Nhiều thương vụ sáp nhập, quốc hữu hóa đã xảy ra. Miếng bánh thị phần sẽ được chia lại và những ngân hàng lớn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Một vấn đề khác là nợ xấu cũng cho dấu hiệu bắt đầu được giải quyết.

Theo ông Điệp, thị trường chứng khoán (TTCK) luôn cần sự dẫn dắt, nếu năm 2014 cổ phiếu dầu khí được “ghi công”, thì cũng chính nhóm cổ phiếu này với GAS, PVD hay PVS là “tội đồ” đưa VN-Index mất đi gần 100 điểm. Như vậy, “leader” mới của thị trường có thể là dòng ngân hàng. Với giá trị vốn hóa lớn, tính thanh khoản cao, cổ phiếu ngân hàng chắc chắn sẽ mang lại nhiều cảm hứng cho nhà đầu tư (NĐT) trong năm 2015, đặc biệt là quý 2/2015.

Quý 2 cũng là tâm điểm của mùa ĐHĐCĐ, nhiều công ty niêm yết sẽ công bố kế hoạch kinh doanh mới và đây được kỳ vọng sẽ là nhân tố tác động lớn đến NĐT.

Vào thời điểm này, ông Điệp cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc bài toán tỷ giá, việc neo giữ tiền đồng ở mức quá cao cũng không có lợi và chính điều này có thể làm chậm quá trình giải ngân của nhiều dòng tiền nước ngoài. Bên cạnh đó, việc “động viên” dòng tiền trong nước bằng các chính sách hợp lý, cũng rất quan trọng. Những điểm chưa hợp lý của Thông Tư 36, cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Những thông tin tích cực như mở room, TPP, cũng có thể sẽ có trong quý 2/2015.

Ông Nguyễn Hồng Điệp – Thành viên điều hành Môi giới và Tư vấn CTCK VNDirect (VND)

Không cần “tất tay”, dù cổ phiếu đã trở về vùng đáy

Ông Điệp dự báo, khả năng VN-Index đang tạo lập vùng đáy. Ngưỡng hỗ trợ 520 điểm sẽ rất khó thủng. Nếu không có thông tin hỗ trợ đặc biệt, thị trường sẽ đi ngang trong biên độ 540-580 điểm.

Ông khuyến nghị NĐT giai đoạn này cần tỉnh táo, theo dõi dòng tiền. Tính đến hết ngày 3/4/2015, chỉ số P/E của sàn HOSE là 12.6, của sàn HNX là 11.31; đây là những con số rất hấp dẫn trong việc tích lũy cổ phiếu. Tuy nhiên, muốn thị trường đi lên bền vững, ngoài việc cổ phiếu rẻ, cần phải xuất hiện dòng tiền. Cho nên không cần thiết phải “tất tay” dù cổ phiếu đã trở về vùng đáy.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dầu khí không nên tham gia do giá dầu thô vẫn có xu hướng yếu trong 1-2 năm tới. Đồng thời, NĐT nên ưu tiên các cổ phiếu cơ bản tốt, thuộc dòng ngân hàng, bất động sản với xu hướng tích lũy “bằng tiền mặt” có thể sẽ mang lại thành quả trong dài hạn.

Khối ngoại và chính sách làm giao dịch quý 1 trầm lắng

Nhìn lại TTCK trong quý 1, ông Điệp cho rằng các chính sách của Nhà nước là nguyên nhân chính làm giao dịch trở nên trầm lắng. Cụ thể, khi tác động trực tiếp đến dòng tiền của Thông tư 36 còn chưa lắng xuống thì lại tiếp tục xuất hiện dự thảo 210, điều này đã đánh vào tâm lý vốn đã khá yếu của NĐT. Ngoài ra, quý 1/2015 có nhiều ngày nghỉ lễ và hiệu ứng lễ hội cũng gây gián đoạn giao dịch của thị trường.

Bên cạnh đó, diễn biến bán ròng của khối ngoại cuối quý 1 mà bắt nguồn từ các hoạt động của ETF cũng ảnh hưởng lớn lên thị trường. Chỉ trong 10 ngày, từ 19/3 đến hết ngày 31/3/2015, quỹ ETF V.N.M đã bán ra hơn 3 triệu chứng chỉ quỹ (CCQ), tương đương khoảng 52 triệu USD. Đây là những con số kỷ lục!

Theo ông Điệp, việc FED đưa ra thông điệp sẽ nâng lãi suất cơ bản đã đẩy giá đồng USD lên cao; cùng lúc đó, các nước thuộc Eurozone lại đưa ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ và đồng EURO đã mất giá 40% chỉ trong vòng 4 tháng. Giá cổ phiểu tại châu Âu trở lên rẻ hơn, hấp dẫn hơn. Với tính chất linh hoạt của mình, dòng tiền từ các ETF đã rời bỏ một số thị trường, trong đó có Việt Nam, để đổ sang châu Âu.

Tuy nhiên, ông Điệp cũng cho rằng, bên cạnh dòng tiền nóng, cũng còn có các dòng tiền nước ngoài với mục tiêu xa hơn, dài hạn hơn. Những dòng tiền này, không thể một sớm, một chiều rút khỏi TTCK Việt Nam. Việt Nam vẫn được nước ngoài đánh giá cao về ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô. Mức tăng tưởng trên 6% vẫn là con số mơ ước cho nhiều nước. Chính vì vậy, có nhiều khả năng, khi ETF dừng bán, việc bán ròng của khối ngoại sẽ chấm dứt.

Nghị định 34: Ngân hàng lớn sẽ được hưởng lợi

Ngày 31/3/2015, Thủ tướng đã ký Nghị định 34, bổ sung sửa đổi Nghị định 53. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 5/4/2015. Việc này có quan hệ rất mật thiết đến khối ngân hàng, đến việc xử lý nợ xấu.

Điểm quan trọng nhất trong Nghị định 34 là việc Công ty Quản lý tài sản được phát hành trái phiếu. Nếu trước đây, VAMC chỉ làm repo nợ xấu, không bán lại. Điều này nay đã thay đổi. Có thể tổ chức bán nợ xấu qua các kênh ra ngoài, tiền đề cho việc nước ngoài mua nợ xấu. Chúng ta đã biết, các tổ chức tài chính nước ngoài, đã nhiều lần đề nghị được mua nợ xấu. Nay có điều này, sẽ rất thuận lợi trong việc xử lý nợ xấu quyết liệt hơn, đặc biệt ở các ngân hàng yếu kém.

Điểm khác cũng rất quan trọng, là nâng thời hạn trái phiếu dành cho việc xử lý mua nợ xấu từ các tổ chức tín dụng đang tái cơ cấu lên 10 năm. Cứ hình dung là trước đây các ngân hàng phải trích lập 20%/năm, nay chỉ phải trích lập 10%/năm. Như vậy, đối với các ngân hàng mua bán sáp nhập, đây là điều kiện rất tuyệt vời. Ví dụ: BID mua MDB, nợ xấu của MDB sẽ được mua lại, trích lập dự phòng trong 10 năm. Nếu phát hành trái phiếu thành công, BID lại dùng chính trái phiếu này, làm tài sản đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh.

Rõ ràng, với những điểm sửa đổi quan trọng trên, khối các ngân hàng lớn, lại càng được hưởng lợi. Đây là việc tháo gỡ nút thắt về quyền lợi của bên mua bán sáp nhập. Có lẽ thời gian tới, sẽ đẩy nhanh hơn quá trình sáp nhập ngân hàng. Ngoài ra, việc giảm trích lập dự phòng, cũng sẽ làm tăng lợi nhuận của khối ngân hàng.

Ông Nguyễn Hồng Điệp - Thành viên điều hành Môi giới và Tư vấn CTCK VNDirect

Duy Hoàng