TPP - Tìm hướng giải quyết các vấn đề gai góc

TPP - Tìm hướng giải quyết các vấn đề gai góc

Từ ngày 6-12/4, 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhóm họp tại Washington (Hoa Kỳ) để tìm thêm những giải pháp đột phá cho các vấn đề còn gai góc, trong khi vẫn chờ đợi tín hiệu tích cực từ phía Hoa Kỳ liên quan tới thẩm quyền đàm phán nhanh (TPA).

Hiệp định TPP mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp

Nhiều vấn đề gai góc

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định TPP của Việt Nam- tiến trình đàm phán TPP đang đi vào giai đoạn then chốt, đồng nghĩa với việc các vấn đề đàm phán ngày càng khó khăn hơn. Đến nay, qua 30 phiên đàm phán, vẫn còn một số vấn đề được cho là rất khó để có thể đi tới những thỏa thuận cuối cùng.

Đầu tiên là mở cửa thị trường hàng hóa, xoay quanh các mặt hàng nhạy cảm nhất của các nước thành viên. Trong đó, đàm phán song phương giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ đóng vai trò quyết định. Nếu đàm phán giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản không kết thúc, sẽ rất khó kết thúc các đàm phán khác như giữa Hoa Kỳ với Canada và Canada với Nhật Bản.

Quyền sở hữu trí tuệ cũng đặt ra vấn đề gai góc liên quan tới việc liệu các nước có đồng ý nâng cao mức độ bảo hộ cho dược phẩm và nông hóa phẩm, khi nó gắn với quyền lợi của các công ty lớn và quyền lợi của cộng đồng? Về nguyên tắc, các đoàn đàm phán sẽ cố gắng đi tìm một điểm trung hòa nhưng rất khó có thể bảo đảm mức độ cân bằng cao nhất.

Cùng với đó, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng đang được quan tâm. Đây là vấn đề mâu thuẫn giữa cách nhìn của EU và Hoa Kỳ về chỉ dẫn địa lý trong khi đó, có rất nhiều thành viên TPP cũng đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, bao gồm cả Việt Nam. Nếu các bên đi theo quan điểm của Hoa Kỳ sẽ không thể đàm phán với EU và ngược lại.

Vấn đề doanh nghiệp nhà nước cũng tiếp tục đặt ra những thách thức cho các nước tham gia đàm phán, đặc biệt khi các nước đều có nhu cầu sử dụng doanh nghiệp nhà nước để thực hiện các mục tiêu công cộng chính đáng.

3 kịch bản đàm phán

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nếu Chính phủ Hoa Kỳ không được trao TPA từ phía Quốc hội trước cuối tháng 5, tiến trình kết thúc đàm phán TPP năm 2015 sẽ rất khó khăn.

Thực tế, theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, sau khi kết thúc đàm phán TPP, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ trình Quốc hội. Tại đây, Quốc hội có quyền yêu cầu sửa đổi các điều khoản và như vậy, có nghĩa là Chính phủ Hoa Kỳ phải đàm phán lại. Trong khi đó, TPP là một hiệp định lớn có sự tham gia của 12 nước, một khi đã kết thúc thì không thể đàm phán lại. Do đó, nếu như Quốc hội Hoa Kỳ không trao TPA cho Chính phủ Hoa Kỳ thì rất nhiều nước thành viên TPP sẽ e ngại và không đưa ra một phương án cuối cùng để kết thúc đàm phán.

Thứ trưởng Khánh cho rằng, xét trong mối tương quan với TPA, tiến trình kết thúc đàm phán TPP sẽ có 3 kịch bản xảy ra. Kịch bản tốt nhất là Chính phủ Hoa Kỳ có được TPA trước cuối tháng 5 và đàm phán TPP có thể kết thúc trong tháng 6, kịp đưa ra Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội các nước thông qua trước cuối mùa thu. Kịch bản thứ 2 là Chính phủ Hoa Kỳ không có được TPA và tiến trình đàm phán sẽ bị chững lại vì năm 2016 Hoa Kỳ bước vào chiến dịch tranh cử Tổng thống. Do đó, có khả năng tới giữa năm 2017 tiến trình đàm phán mới tiếp tục. Kịch bản thứ 3 là Chính phủ Hoa Kỳ bỏ qua TPA và thuyết phục các nước kết thúc đàm phán. Đây là kịch bản không hoàn hảo và rất khó để các nước thành viên chấp thuận.

Hùng Cường

công thương