Các bộ chạy đua thoái vốn nhà nước khỏi DN

Các bộ chạy đua thoái vốn nhà nước khỏi DN

Thời gian thực hiện cổ phần hóa (CPH) các DNNN từ nay đến cuối năm 2015 không còn nhiều, trong khi chỉ tiêu năm 2015 phải thoái một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước khỏi 289 doanh nghiệp. Do đó các bộ đang chạy đua thoái vốn để kịp thời gian.

Riêng trong quý 1 năm nay, có 24 doanh nghiệp thuộc TCT ĐSVN được phê duyệt phương án CPH. Ảnh: TL

Theo báo cáo hôm 25-4 của Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) với Chính phủ, trong bốn tháng đầu năm 2015, bộ này đã phê duyệt danh sách CPH, thành lập ban chỉ đạo CPH tại 28 doanh nghiệp, 2 công ty mẹ. Trong số này riêng Tổng công ty đường sắt Việt Nam có đến 24 doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ GTVT đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp CIENCO 1, CIENCO 4, CTCP cảng Quảng Ninh; thoái 20% vốn điều lệ tại CTCP tư vấn thiết kế GTVT (TEDI),  TCT vận tải thủy, và đang thực hiện thoái vốn tại CTCP cảng Đoạn Xá, cảng Quy Nhơn, bảy CTCP thuộc TCT đường sắt.

Ngoài ra, bộ này đã báo cáo lên Thủ tướng cho phép thoái toàn bộ vốn nhà nước theo phương thức lựa chọn nhà đầu tư bán thỏa thuận trực tiếp trọn lô tại một số tổng công ty như CIENCO 5, CIENCO 6, Vinamotor. Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục giảm tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại hàng loạt công ty khác thuộc Vinalines và TCT đường sắt.

Như vậy trong quí 1 năm nay, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương, phê duyệt phương án và báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương thoái vốn cho 29 doanh nghiệp với tổng giá trị thoái vốn khoảng 4.300 tỉ đồng theo mệnh giá.

Năm 2014, số doanh nghiệp hoàn thành CPH thuộc Bộ GTVT chiếm 53,4%  trong tổng số 143 doanh nghiệp hoàn thành CPH trên cả nước.

Bộ Xây dựng cũng đang thúc đẩy mạnh hơn việc rút vốn này. Dự kiến đến hết năm nay, về cơ bản bộ sẽ hoàn thành công tác CPH và không còn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Theo kế hoạch được bộ phê duyệt, năm 2015, có 170 danh mục cần thoái vốn với giá trị 5.256 tỉ đồng, bao gồm 159 danh mục thoái 100% vốn với giá trị 4.874 tỉ đồng và 11 danh mục thoái một phần vốn với giá trị 382 tỉ đồng.

Lũy kế đến hết năm 2014 Bộ Xây dựng đã và đang thoái vốn tại 57 doanh nghiệp với giá trị 2.520 tỉ đồng.

Riêng trong quý 1 năm nay, Bộ Xây dựng đã thoái thành công 8 danh mục với tổng giá trị đầu tư là 102 tỉ đồng, nhưng giá trị thu về bị lỗ 81,6 tỉ đồng. Ngoài ra bộ đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 24 doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư là 1.197 tỉ đồng.

Các TCT thuộc Bộ Xây dựng có nhiều danh mục thoái vốn và đang triển khai mạnh là TCT Sông Đà, LILAMA, HANCORP, IDICO, COMA… Một số TCT chậm triển khai như TCT Bạch Đằng, FICO, trong đó TCT Bạch Đằng chưa thoái được khoản nào do đây là đơn vị làm ăn thua lỗ, bết bát rất nhiều năm qua. FICO mới thoái đuợc 1/17 danh mục, thu về hơn 3 tỉ đồng.

Tiến độ thoái vốn ở Bộ NN và PTNN cũng rất chậm.  Riêng bộ này không công bố tổng giá trị các khoản đầu tư đã thoái và đề nghị thoái ở các doanh nghiệp. Năm 2014,  bộ CPH được chín TCT và công ty trực thuộc bộ, trong đó có các doanh nghiệp mía đường, thuốc thú y và thủy sản..

Trong quí 1 năm nay, Bộ NN và PTNN đã trình Thủ tướng phương án CPH Tổng công ty Chè Việt Nam và Tổng công ty rau quả, nông sản. Ngoài ra, các TCT đã được phê duyệt CPH gồm TCT lâm nghiệp, vật tư nông nghiệp, lương thực miền Nam. Bộ này đặt ra mục tiêu đến quí 4 năm nay phê duyệt xong phương án CPH.

Ngoài ra, Bộ NN và PTNN đề nghị năm 2016 sẽ trình Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp tổng thể đối với TCT Lương thực miền Bắc, sau đó CPH công ty mẹ và hai công ty con. Riêng phương án sắp xếp đối mới tổng thể đối với TCT Cà phê và Tập đoàn cao su sẽ hoàn thành trước 30-6-2015.

Ngọc Lan

tbktsg