TP.HCM đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư vào Myanmar

TP.HCM đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư vào Myanmar

Nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Việt Nam – Myanmar (Ho Chi Minh City Expo) và chương trình khảo sát thị trường tại Myanmar, ngày 18/5, đoàn lãnh đạo TP.HCM do bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM dẫn đầu, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, cùng 20 doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiến hành các buổi làm việc với một số cơ quan ở TP Mandalay và tìm hiểu thị trường hàng hóa tại các siêu thị, chợ đầu mối.

DN TP HCM tham gia hội chợ tại Myanmar.

Đoàn DN TP.HCM đã đến làm việc với Ban quản lý Khu công nghiệp Myotha và tham quan hoạt động tại khu công nghiệp. Tiếp theo đó, các DN đã có buổi tiếp xúc với Hiệp hội DN Đá quý và nữ trang Mandalay, Hội DN nông nghiệp, mía đường ở Mandalay để tìm hiểu về những chính sách thương mại, đầu tư của Myanmar và cơ hội hợp tác với các DN tại Mandalay.

Trong chương trình khảo sát thị trường năm nay, các DN TP.HCM rất quan tâm tìm hiểu hàng hóa trên thị trường Myanmar nói chung và TP Mandalay nói riêng, để có nhận định về cơ hội thâm nhập thị trường cho hàng Việt Nam. Ngoài đi khảo sát các siêu thị, cửa hàng kinh doanh, các DN Việt Nam còn tham quan hoạt động chợ đêm đầu mối ở Mandalay.

Cũng nằm trong khuôn khổ chương trình, hôm nay (ngày 19/5) Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar cùng Phòng thương mại và công nghiệp vùng Mandalay (MRCCI) tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại – đầu tư – du lịch và kết nối giao thương  cho DN Việt Nam – Myanmar.

Đại diện Phòng thương mại và công nghiệp vùng Mandalay (MRCCI) giới thiệu với các DN Việt Nam tổng quan về các cơ hội kinh doanh đầu tư tại Mandalay.

Bà Phó Nam Phượng- Giám đốc ITPC đã trình bày tổng hợp những khó khăn và đề xuất của DN TP.HCM đối với chính quyền Myanmar nói chung và TP Mandalay nói riêng. Bà Phó Nam Phượng cho biết, hầu hết DN đã xuất khẩu được hàng vào Myanmar đều khẳng định đây là thị trường tiềm năng nhưng đầy thách thức bởi tuy người tiêu dùng không khó tính, nhưng hàng Việt Nam phải cạnh tranh với hàng của rất nhiều nước châu Á và cả với hàng nội địa của Myanmar. Vì vậy, thị trường Myanmar không dành cho DN chưa chuẩn bị kỹ càng khi thâm nhập, DN cần có sự đầu tư gây dựng hệ thống bán lẻ và tạo uy tín thương hiệu.

Các lĩnh vực mà DN thâm nhập vào Myanmar ngày càng đa dạng hơn. Về xuất khẩu hàng hóa, các nhóm hàng mục tiêu của DN Việt Nam nhắm vào thị trường Myanmar đang mở rộng, từ đồ nhựa gia dụng, thực phẩm chế biến, nước giải khát, hàng thời trang, điện tử, điện gia dụng, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cho đến hàng điện công nghiệp, phân bón, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị công nghiệp…

Bên cạnh xuất khẩu hàng hóa, các DN Việt Nam đã chú ý phát triển xuất khẩu dịch vụ sang Myanmar. Một số dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng của DN Myanmar đã có sự tham gia của đối tác Việt Nam cung cấp dịch vụ.

Khi đưa hàng hóa, dịch vụ vào thị trường Myanmar, DN Việt Nam chủ trương không cạnh tranh về giá, mà hướng đến cạnh tranh về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chú trọng đầu tư quảng bá hình ảnh ra cộng đồng, đầu tư mẫu mã, bao bì sản phẩm để nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu.

Ngọc Thảo

công thương