HFC Việt Nam và SAM: Khi tiệc sớm tàn

HFC Việt Nam và SAM: Khi tiệc sớm tàn

Ngày 09/06, CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu HFC Việt Nam (HFC) đã đăng ký bán ra toàn bộ hơn 4 triệu cp SAM đang nắm giữ. Nếu thương vụ này thành công, “duyên nợ” giữa SAM và HFC có thể đã đi đến hồi kết!

* SAM: Chi phí nguyên liệu tăng cao, quý 1 lỗ hợp nhất gần 7 tỷ đồng

* ĐHĐCĐ SAM: Kế hoạch lãi trăm tỷ, vốn gần 3 ngàn tỷ

Sự xuất hiện của HFC tại CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (HOSE: SAM) bắt nguồn từ việc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), cổ đông lớn nhất của SAM đăng ký thoái vốn hồi cuối tháng 8/2014. Sau khi VNPT đăng ký bán hơn 40 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 31% cổ phần SAM trong giai đoạn 25/8 – 23/9/2014, HFC đã liên tục thực hiện các giao dịch cổ phiếu SAM. Từ mức sở hữu vài phần trăm, đã có thời điểm HFC nâng mức nắm giữ lên gần 25 triệu cp, tương đương hơn 19% cổ phần SAM.

Cũng vào thời điểm này, nhiều nhà đầu tư SAM bắt đầu “ngờ vực” về tương lai của Công ty khi HFC thay thế VNPT trở thành cổ đông lớn nhất.

Theo những thông tin “ít ỏi” có thể tìm thấy được, HFC là một doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư tài chính và kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu. Có thể thấy, hoạt động cốt lõi của HFC và SAM ít có sự tương đồng. SAM mặc dù khá mạnh trong hoạt động tài chính nhưng lĩnh vực kinh doanh cốt lõi vẫn là sản xuất và phân phối các loại cáp cho ngành bưu chính viễn thông, thêm vào đó là định hướng phát triển sang nhiều lĩnh vực khác như đầu tư kinh doanh bất động sản, du lịch và tài chính. Với tỷ lệ sở hữu lớn nhất, nhiều “đồn đoán” từ thị trường rằng người chủ mới sẽ bẻ lái con tàu Sacom.

Tuy nhiên diễn biến mua bán cổ phiếu SAM của HFC giống một “tay chơi tài chính” hơn là đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, cũng không loại trường hợp HFC đã không tìm được tiếng nói chung tại đây.

Ngay từ thời đầu gia nhập đội ngũ những ông chủ của SAM, giao dịch của HFC đã mang tính chất lướt sóng mạnh. Chỉ riêng trong tháng 9/2014, HFC từ không nắm giữ cổ phiếu, bất ngờ xuất hiện với tỷ lệ sở hữu tại SAM cả 15.82%, rồi giảm mạnh xuống chỉ còn 3.82% chỉ sau đó vài ngày. Hơn 10 ngày sau, HFC lại mua vào 19 triệu cp, nâng sở hữu lên 19.02% vốn của SAM. Giá cổ phiếu SAM tại những ngày này đều quanh ngưỡng 10,800 -11,000 đồng/cp.

Diễn biến giá cp SAM 2 năm qua
Kể từ sau giai đoạn VNPT đăng ký thoái vốn (20/08 – 30/09/2014), giá cổ phiếu SAM đã nâng lên vùng giao dịch mới với ngưỡng hỗ trợ 11,000 đồng. Giá cổ phiếu được giữ trên ngưỡng này cho đến tháng 5/2015. (Nguồn: VietstockFinance)

Sau đó, từ cuối năm 2014 trở đi, tức chỉ gần 3 tháng sau khi chính thức nắm gần 20% của SAM, HFC từ từ thoái dần vốn tại đây.

Ở chiều hướng ngược lại, CTCK Phố Wall (WSS) và Phó Chủ tịch Đỗ Văn Trắc đã gom mua cổ phiếu SAM trong năm 2015. WSS mua vào và nắm giữ gần 17 triệu cp tính đến cuối tháng 01/2015, tương đương gần 13%. Còn ông Trắc mua hơn 5.2 triệu cp, tương đương hơn 4% (trước khi có sự xuất hiện của HFC, ông Trắc đã giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 3.9 triệu cp xuống 119,654 cp, tương đương chỉ còn 0.09%).

HFC đã đăng ký bán 10 triệu cp SAM trong tháng 01/2015 với mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư, trong đợt này, HFC bán thành công 8.9 triệu cp. 15 ngày sau đó (22/01), HFC tiếp tục đăng ký thoái 10 triệu cp SAM và ở lần này, HFC cũng bán được gần 8.5 triệu cp.

Động thái thoát hàng SAM vẫn tiếp tục được thực hiện sau đó và gần đây nhất là ngày 09/06/2015, HFC đã đăng ký bán toàn bộ hơn 4 triệu cp còn lại đang nắm giữ. Nếu thương vụ này thành công, “duyên nợ” giữa SAM và HFC coi như đã chấm dứt hoàn toàn.

“Cuộc chơi” HFC – SAM có lẽ đã đi đến hồi kết!

 Đăng Tùng