Thiếu hàng, phân đạm “sốt” giá?

Thiếu hàng, phân đạm “sốt” giá?

Sau khoảng một năm duy trì ở mức tương đối ổn định, giá phân urê (đạm) bất ngờ tăng mạnh trở lại thời gian gần đây. Lý giải của một số người trong cuộc, cho biết phân đạm tăng giá là do nguồn cung từ các nhà máy đang khan hiếm.

Trong ảnh là nhân công đang vận chuyển phân bón tại một doanh nghiệp ở An Giang. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với TBKTSG Online, một số đại lý cấp 1 chuyên phân phối phân bón tại Cần Thơ, cho biết hiện giá phân đạm Phú Mỹ tại kho đại lý cấp 1 bán cho đại lý cấp 2 là 8.400-8.500 đồng/kg, còn đạm Cà Mau và Ninh Bình lần lượt có giá 8.200-8.300 và 8.300-8.400 đồng/kg, tăng khoảng 1.000-1.200 đồng/kg (tương đương 50.000-60.000 đồng/bao 50 kg) so với mức giá cách nay 3 tháng.

Bà Trần Thị Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Chính Phượng (An Giang) - đơn vị chuyên cung ứng phân bón cho bà con nông dân tại thị trường An Giang, thừa nhận so với hồi đầu vụ hè thu rồi, hiện giá phân bón được đại lý cấp 1 phân phối xuống đại lý cấp 2 tăng khoảng 50.000-70.000 đồng/bao 50 kg và hiện có giá giao động 420.000-425.000 đồng/bao 50 kg đối với đạm Phú Mỹ và 410.000-420 đồng/bao 50 kg đối với đạm Cà Mau và Ninh Bình (tùy nơi).

Trong khi đó, tại Tiền Giang, đạm Phú Mỹ được đại lý cấp 2 bán trực tiếp cho nông dân với giá 465.000-470.000 đồng/bao 50 kg; đạm Cà Mau và Ninh Bình lần lượt có giá 455.000-460.000 và 460.000-465.000 đồng/bao 50 kg, tăng 80.000-90.000 đồng/bao 50 kg so với mức giá hồi đầu vụ hè thu rồi.

Theo lý giải của bà Phượng, phân đạm “sốt” giá là do nguồn cung khan hiếm, lượng hàng được đại lý cấp 1 đưa xuống đại lý cấp 2 rất hạn chế. “Ví dụ, trước đây tôi đăng ký mua 500, 1.000 hay thậm chí 2.000 tấn cũng có, còn bây giờ đăng ký nhưng chỉ được 200-300 tấn thôi, nhiều khi không có hàng luôn”, bà Phượng cho biết.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh vùng Tây Nam bộ thuộc Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo - DPM), cho rằng phân đạm tăng giá chỉ là hiện tượng cục bộ do nguồn cung giảm vì nhà máy đạm Phú Mỹ đang được bảo trì. “Với nhà máy đạm Cà Mau, Ninh Bình thế nào thì tôi không rõ, chứ còn Phú Mỹ nguồn cung giai đoạn này cũng đang hạn chế thật vì nhà máy đang thực hiện bảo trì, bảo dưỡng”, ông Hiển giải thích.

Ngoài ra, theo ông Hiển, những năm trước, lượng phân đạm nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều, nhưng năm nay đã giảm xuống vì lượng hàng trong nước sản xuất đã ổn định hơn. “Đồng thời, thông thường mọi năm khi bắt đầu vào vụ sản xuất, mỗi đại lý lớn tích trữ khoảng 5.000-10.000 tấn, còn đại lý nhỏ cũng 1.000-2.000 tấn. Nhưng, từ năm ngoái đến nay, khi nhà máy sản xuất ổn định, các đại lý không tích trữ nữa nên khi nhà máy ngưng, nguồn cung chậm lại, lập tức các đại lý đẩy mạnh mua dẫn đến xảy ra tình trạng tăng giá.

Tuy nhiên, hiện tượng phân đạm tăng giá lần này liệu có phải xuất phát từ nguồn cung khan hiếm thật sự hay chỉ là hiện tượng ảo, bởi theo ông Hiển, từ đầu năm đến nay, lượng phân được PVFCCo phân phối ra thị trường tiếp tục tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi năm ngoái giá bán phân đạm rất ổn định.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, lượng phân đạm nhập khẩu từ Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay chẳng những không giảm mà tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2015, chỉ riêng lượng phân đạm nhập khẩu đã đạt 56.000 tấn với giá trị đạt 17 triệu đô la Mỹ, tăng 47,8% về khối lượng và 31,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Chánh

tbktsg