Cơ hội và thách thức lớn dành cho ngành dệt may

Cơ hội và thách thức lớn dành cho ngành dệt may

Nhiều ý kiến cho rằng ngành dệt may đang được ưu tiên và hưởng lợi lớn nhất từ các FTA đã được kí kết và tới đây là TPP. Tuy nhiên, liệu ngành dệt may có nắm bắt được cơ hội này không và đang đối mặt với những thách thức gì?

Bà Đặng Phương Dung. Ảnh: VGP/Phan Trang

Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam về cơ hội và thách thức của ngành dệt may.

Với những ưu tiên mà ngành dệt may đang được hưởng, bà có thể cho biết những thuận lợi của ngành dệt may khi hội nhập?

Bà Đặng Phương Dung: Dệt may là một ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam, với hơn 5.000 doanh nghiệp và sử dụng 2,5 triệu lao động. Nên khi tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại thì luôn đặt mục tiêu mở rộng xuất khẩu, tăng việc làm, nâng cao sự cạnh tranh, miễn giảm thuế. Nếu như thuế được xoá bỏ thì là một lợi thế lớn đối với ngành dệt may, bởi hiện tại thuế suất của dệt may đang ở mức 17-18%.

Còn về việc tại sao lại nói hưởng lợi nhiều thì nhìn từ lịch sử xuất khẩu dệt may, ngành có tốc độ tăng trưởng cao. Mỗi lần xuất khẩu dệt may có sự bứt phá đều phụ thuộc vào các sự kiện mà Việt Nam kí kết. Năm 2011 kí kết hiệp định song phương với Hoa Kỳ, năm 2007 Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vừa rồi Việt Nam cũng kí một loạt hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu, sắp tới là TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (VEFTA)… Ai cũng nhìn thấy cơ hội tăng trưởng cao.

Để hưởng lợi từ hội nhập, ngành dệt may phải đối mặt với những thách thức nào, thưa bà?

Theo tôi, thách thức lớn của ngành dệt may là phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ, Nếu như trong hiệp định ASEAN với các nước (trừ Hàn Quốc), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU đều có quy tắc xuất xứ từ vải thì với TPP, quy tắc xuất xứ là từ sợi.

Đây là thách thức lớn với ngành dệt may bởi lâu nay Việt Nam mới chỉ phát triển được phần may chứ phần dệt và nhuộm còn rất yếu kém. Đây cũng là tình trạng chung của các nước đang phát triển như Lào, Campuchia...

Bà vừa nói khâu dệt, nhuộm của Việt Nam còn chưa phát triển. Nếu như không đẩy mạnh dệt, nhuộm thì Việt Nam có được hưởng lợi từ TPP không?

Ngành dệt may đã có chính sách, Nhà nước cũng kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu cho dệt may.

Khách quan thì việc may yêu cầu vốn nhỏ trong khi dệt nhuộm vốn lớn, quay vòng vốn dài, trình độ quản lý cao, máy móc thiết bị hiện đại. Nếu không làm tốt được, vải chất lượng cũng không cao, không đáp ứng được yêu cầu.

Kêu gọi đầu tư vào dệt nhuộm không khó nhưng đang có vướng mắc là đầu tư vào dệt nhuộm sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn về xử lý nước thải, dẫn đến chi phí cao nên họ rất đắn đo.

Các nước trên thế giới như Trung Quốc đã có ngành này lâu rồi. Mặc dù chúng ta đã có một số nhà máy sản xuất từ sợi nhưng quy mô nhỏ nhưng chất lượng chưa tốt vì thế Việt Nam cần một quy hoạch phát triển dệt nhuộm: Ở địa phương nào để tạo nên một cụm công nghiệp dệt nhuộm, phục vụ nguyên liệu cho các ngành may, giảm thiểu chi phí...Nếu được Nhà nước hỗ trợ việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì nhà đầu tư vào chỉ cần trả phí chứ không phải đầu tư cả hệ thống nước thải. Cũng vì vấn đề môi trường mà một số địa phương đã đóng cửa với ngành dệt nhuộm như Đồng Nai, Bình Dương…

Hiện nay trong chuỗi cung ứng dệt may ít đơn vị nào làm được tất cả các khâu từ sợi đến sản phẩm may mà phải chuyên môn hoá, mỗi đơn vị thực hiện một công đoạn. Tuy nhiên, các đơn vị dệt kim: Thành Công, Dệt 8/3, Dệt Nam Định... cũng đã nhen nhóm thực hiện được điều này.

Hiện nay có nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc... đã vào Việt Nam đầu tư các nhà máy dệt, nhuộm quy mô lớn ở Quảng Ninh, Nam Định... Theo bà, tín hiệu này có giúp dệt may Việt Nam hưởng lợi trong hội nhập?

Hiện nay Việt Nam đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào dệt, nhuộm nhưng không hi vọng đáp ứng được 100%, tuỳ theo nhu cầu thị trường. Chúng ta chỉ hi vọng dệt nhuộm lớn dần lên, đáp ứng yêu cầu xuất xứ hưởng lợi từ TPP.

Từ trước đến nay Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Trước yêu cầu của hội nhập, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập TPP, Mỹ tỏ mong muốn Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc?

Hiện nay Trung Quốc là một "gã khổng lồ" kể từ nguyên phụ liệu, vải, máy móc thiết bị… với giá rất cạnh tranh, nếu không nói là rẻ. Với 1,4 tỷ dân thì bản thân thị trường của họ đã có độ lớn đủ cho doanh nghiệp mở rộng kinh doanh.

Những năm vừa qua chúng ta phụ thuộc vào nguyên phụ liệu của Trung Quốc rất lớn. Hiện nay một số doanh nghiệp Trung Quốc có vào Việt Nam đầu tư dệt nhuộm, sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên, hội nhập cũng đặt ra một xu hướng là đa dạng hoá thị trường, giảm phụ thuộc, tránh "bỏ trứng vào một giỏ".

Do Trung Quốc chưa gia nhập TPP nên Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác trong khối này, giá có thể cao hơn nhưng doanh nghiệp sẽ tự cân đối việc giá nguyên liệu tăng và việc hưởng lợi từ thuế quan về 0% để có sự điều chỉnh.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Phan Trang (thực hiện)

Chính phủ