Dòng vốn tiếp tục “cao chạy xa bay” khỏi các thị trường mới nổi

Dòng vốn tiếp tục “cao chạy xa bay” khỏi các thị trường mới nổi

Dòng vốn rút khỏi các quỹ đầu tư thị trường mới nổi đã tăng tốc trong tuần qua do đợt biến động mới của thị trường chứng khoán Trung Quốc, đà tăng của đồng USD và đà sụt giảm của giá hàng hóa đã khiến tâm lý nhà đầu tư càng thêm trì trệ.

* Tiền tệ các nước mới nổi chạm đáy 15 năm khi CK Trung Quốc rơi tự do

* Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất thế giới

* Fed: Chuẩn bị cho khả năng lãi suất “cất cánh” trong 6 tuần tới

 

Theo số liệu của EPFR, nhà đầu tư đã rút ròng 4.5 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư thị trường mới nổi trong tuần kết thúc ngày 30/07, mạnh hơn so mức thất thoát 3.3 tỷ USD trong tuần trước đó. Như vậy, chỉ tính riêng trong 3 tuần qua, tổng cộng 14.5 tỷ USD đã “cao chạy xa bay” khỏi các quỹ đầu tư của khu vực này.

Theo ANZ, các quỹ đầu tư cổ phiếu thị trường mới nổi châu Á bị rút ròng mạnh nhất với tổng lượng vốn bốc hơi trong 3 tuần vừa qua là 12.1 tỷ USD, đánh dấu làn sóng tháo chạy mạnh nhất khỏi cổ phiếu của khu vực này kể từ khi số liệu bắt đầu được thu thập vào năm 2004.

“Đây gần như là một cơn bão toàn diện tại thời điểm này của các thị trường mới nổi”, Adrian Mowat – Trưởng Bộ phận chiến lược cổ phiếu thị trường mới nổi tại JPMorgan cho biết.

Tài sản của các thị trường mới nổi đã bị chao đảo mạnh bởi đợt sụt giảm mới của các loại hàng hóa như dầu và đồng – hai mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của nhiều quốc gia đang phát triển như Brazil và Nga. Giá dầu đã chìm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng vào đầu tuần này, một phần do đà tăng mạnh của đồng USD.

“Môi trường vĩ mô vẫn còn thách thức tài sản của các thị trường mới nổi”, nhận định của các chuyên viên phân tích tín dụng tại Barclays. Ông nói: “Nhiều hàng hóa đã chạm mức thấp nhất trong nhiều năm vào tuần này, mối lo ngại về Trung Quốc đang leo thang và chu kỳ thắt chặt tiền tệ sắp tới của Fed đã làm giảm kỳ vọng rằng dòng vốn vào các quỹ đầu tư trái phiếu thị trường mới nổi sẽ ngày càng tích cực hơn”.

Tiền tệ của một số thị trường mới nổi – đặc biệt là đồng ringgit của Malaysia và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ - đã bị tác động mạnh bởi các bất ổn chính trị. Hiện nhiều đơn vị tiền tệ của các thị trường mới nổi đang giao dịch tại hoặc sát các mức thấp nhất trong 15 năm.

Đợt biến động mới của TTCK Trung Quốc đã làm xói mòn niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Hôm thứ Hai, chỉ số Shanghai Composite đã chứng kiến phiên giảm điểm mạnh thứ hai trong lịch sử, thổi bay giá trị của các doanh nghiệp niêm yết hơn 600 tỷ USD.

Giao dịch thất thường tại Trung Quốc vẫn tiếp diễn trong tuần này bất chấp các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc bình ổn thị trường thông qua việc cấm các cổ đông lớn bán ra cổ phiếu và khuyến khích các doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ.

Trong số 2.7 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu mới nổi châu Á trong tuần qua, có đến 1 tỷ USD là do các nhà đầu tư Trung Quốc rút khỏi các quỹ ETF trong nước và theo ông Mowat, điều này đã thổi phồng tình trạng rút vốn trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục gây tác động trên toàn thế giới, kìm hãm đà tăng trưởng của nhiều đối tác thương mại quan trọng và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng chuẩn bị tâm lý trước cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9 tới. Hiện vẫn có các ý kiến trái chiều về khả năng Fed sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp này, một động thái có thể gây khó khăn hơn nữa cho các đồng tiền thị trường mới nổi khi dòng vốn đổ xô sang đồng USD.

Các nhà phân tích cho biết, khả năng nâng lãi suất của Fed có thể tăng cao nếu các số liệu tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Mỹ, qua đó châm ngòi cho làn sóng bán tháo các tài sản thị trường mới nổi.

Phước Phạm (Theo Financial Times)