“Khai tử” cơ chế phân giao đường nhập khẩu

“Khai tử” cơ chế phân giao đường nhập khẩu

Chính phủ đã chính thức chấp thuận việc đấu thầu đường NK theo hạn ngạch thuế quan thay cho cơ chế phân giao như đang làm. Tuy nhiên, do thời gian chuẩn bị chưa kịp nên năm 2015, cơ chế điều hành NK đường vẫn áp dụng theo cơ chế cũ.

VSSA đề xuất các doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất cũng được tham gia đấu thầu. Ảnh: Phan Thu

Chưa áp dụng ngay trong năm nay

Sau nhiều năm Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) kiên trì kiến nghị xóa bỏ cơ chế phân giao hạn ngạch đường với lý do cơ chế này phát sinh tiêu cực, dễ nảy sinh cơ chế “xin - cho”, Chính phủ đã đồng ý cho áp dụng cơ chế đấu thầu đường NK theo cam kết WTO.

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, cách đây vài hôm, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp bàn về cơ chế điều hành NK đường theo hạn ngạch thuế quan do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, có sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VSSA. Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng đã kết luận rằng, qua ý kiến của các bộ, ngành thống nhất áp dụng cơ chế đấu thầu hạn ngạch NK đường theo cam kết WTO; các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế đấu thầu để áp dụng cho năm 2016.

Riêng hạn ngạch 81.000 tấn trong năm 2015, do thời gian chưa chuẩn bị kịp nên Phó Thủ tướng đồng ý vẫn áp dụng phương cách phân giao nhưng sẽ tăng lượng đường thô lên cao hơn so với năm 2014 đã áp dụng để các nhà máy NK về chế biến, tăng giá trị gia tăng.

Khi được hỏi về thời gian phân giao trong năm 2015 sẽ như thế nào, ông Nguyễn Hải cho hay, giống như mọi năm, Hiệp hội và Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương cho NK đường theo hạn ngạch thuế quan sau khi niên vụ mía kết thúc. Thông thường niên vụ mía sẽ kết thúc vào tháng 7 và tháng 8 sẽ bắt đầu cho NK. Tuy nhiên, năm 2014, do lượng đường tồn kho quá nhiều nên các bộ đã thống nhất cho NK muộn hơn vào tháng 11.

Năm nay, niên vụ mía 2014-2015 kết thúc sớm hơn (vào tháng 6), sản lượng đường thiếu hụt so với kế hoạch là 173.000 tấn, một phần do diện tích mía giảm nhưng nguyên nhân chính là do sản lượng giảm. Theo nhận định của VSSA, dù thiếu hụt so với kế hoạch song sẽ không thiếu đường bởi lượng đường tồn kho tính đến giữa tháng 6 vẫn lớn, tồn khoảng 400.000 tấn. Chưa kể đến, một lượng đường khá lớn đang tồn kho trong xã hội do các đại lý cấp 1, cấp 2 mua vào dự trữ khi tiêu thụ trong nước thuận lợi hơn.

Vị đại diện của VSSA cũng tỏ ra khá lạc quan: “Có thể do điều hành những năm trước có nhiều ý kiến nên việc điều hành NK đường năm nay có thể sẽ theo chiều hướng tốt hơn. Với cơ chế phân giao, Bộ Công Thương chỉ giao cho gần 20 DN lớn nhưng thực chất là không công bằng bởi Việt Nam có rất nhiều DN sản xuất có nhu cầu dùng đường. Điều này không công bằng. Hiện Bộ Công Thương vẫn chưa quyết định nhưng tôi cho rằng, đợt phân giao cuối cùng này có thể được nới rộng”.

Thí điểm đấu giá

Trước đây, với kiến nghị áp dụng cơ chế đấu thầu của DN, đã nhiều lần Bộ Công Thương giải thích rằng, trong Biểu cam kết hàng hóa trong WTO, mặt hàng đường không cam kết sử dụng phương thức đấu thầu trong phân giao hạn ngạch thuế quan NK nên việc sử dụng cơ chế đấu thầu là vi phạm quy định của WTO. Tuy nhiên, sau nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành, Hiệp hội Mía đường, Bộ Công Thương cũng như Chính phủ đã nhận thấy, cơ chế “xin - cho” hiện đang tạo sự bất công, gây xáo trộn và không tạo sự ổn định về giá cho ngành đường.

Như vậy, việc Chính phủ đồng ý cho áp dụng cơ chế đấu thầu đường NK theo hạn ngạch thuế quan là thành công bước đầu của VSSA, bởi theo ông Nguyễn Hải, nhiều năm qua Hiệp hội đã liên tục và kiên trì đề nghị thay đổi cơ chế “xin - cho”. Thêm vào đó, sự đồng tình của Chính phủ đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ điều hành còn nhiều bất cập, phát sinh nhiều tiêu cực. Cơ chế mới này sẽ tạo sự công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng mía, nhà máy đường, các DN sử dụng đường làm nguyên liệu chế biến sản phẩm và người tiêu dùng, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế.

Bước đầu, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, NN&PTNT và VSSA chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế để thực hiện thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường. Căn cứ kết quả thực hiện thí điểm trong năm 2016, Bộ Công Thương tổng kết, đánh giá hiệu quả của phương thức đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường; tác động của phương thức này đến các DN chế biến thực phẩm, người tiêu dùng, các nhà máy đường, người nông dân trồng mía, cung cầu thị trường đường trong nước và phản ứng từ các thành viên WTO. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương thức điều hành phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.

Được biết, theo đề xuất của Bộ Công Thương, sẽ thành lập Hội đồng đấu thầu gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT do Lãnh đạo Bộ Công Thương làm Chủ tịch hội đồng đấu thầu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải cho biết: “Cơ chế như thế nào thì chưa có nhưng chúng tôi kiến nghị, trong thời gian tới cho NK hoàn toàn là đường thô và đối tượng đấu thầu là không hạn chế, không chỉ nhà máy đường mà các công ty sử dụng đường, công ty thương mại cũng được tham gia. Có thể quy định một số điều kiện về uy tín, tài chính… đối với DN tham gia đấu thầu”.

Phan Thu

hải quan