Ông Trần Minh Hoàng (VCBS): Thông tư thay thế Thông tư 74 là "cú hích" hỗ trợ thị trường

Ông Trần Minh Hoàng (VCBS): Thông tư thay thế Thông tư 74 là "cú hích" hỗ trợ thị trường

Trong các tháng còn lại của năm, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng nhà đầu tư trung hạn nên mua vào các cổ phiếu được dự báo sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ nới room và các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường CTCK Vietcombank

Theo ông Hoàng, các thông tin về Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP, mà trọng tâm là quy định về thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room) vẫn đang có tác động cả về ngắn hạn lẫn dài hạn đối với thị trường chứng khoán. Sắp tới đây, các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 60 sẽ được ban hành cụ thể và chi tiết. Điều này sẽ là tiền đề để xác định chính xác đối tượng doanh nghiệp nào trên sàn sẽ được hưởng lợi và hấp dẫn dòng vốn ngoại (và nhiều khả năng là cả dòng vốn nội) mạnh mẽ nhất.

Theo đó, kỳ vọng một xu hướng tăng của thị trường trong quý 3, cũng như trong 6 tháng cuối năm khi có sự hỗ trợ tích cực từ phía dòng tiền và các thông tin kinh tế quan trọng. Việc nới room sẽ kích thích dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường Việt Nam, mặc dù lộ trình nâng lãi suất của FED cũng cần được cân nhắc. Và các hiệp định thương mại mở đường cho các dòng vốn đầu tư của nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam cũng như góp phần giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng lạc quan.

Do vậy, nhà đầu tư trung hạn nên mua vào các cổ phiếu được dự báo sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách trên và nắm giữ/lướt sóng (mua thấp – bán cao) nhóm cổ phiếu này trong suốt các tháng còn lại của năm.

Cũng theo ông Hoàng, nhóm cổ phiếu Ngân hàng sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng nâng đỡ và tạo lập xu hướng chung của thị trường với những ưu thế rõ rệt như vốn hóa lớn, quá trình tái cơ cấu hệ thống và kết quả kinh doanh cũng đã có những điểm sáng nhất định.

Ở khía cạnh khác, đối với các cổ phiếu của doanh nghiệp tăng vốn mạnh, ông Hoàng không khuyến nghị mua vào (trước khi phát hành tăng vốn), trừ trường hợp nhà đầu tư nắm rất rõ doanh nghiệp và tin tưởng vào tiềm năng của dự án trong dài hạn.

Nhóm xuất khẩu sẽ dẫn đầu nhưng không đủ sức dẫn dắt

Các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia/khu vực lớn trên thế giới lần lượt được ký kết hoặc đi vào lộ trình ký kết đang tạo ra nhiều lợi ích cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt nói riêng.

Trong đó, các hiệp định này tác động mạnh mẽ nhất hay mang lại lợi ích tích cực nhất là cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi các mức thuế xuất khẩu sang Hàn Quốc, EU và Mỹ sẽ giảm về mức rất thấp, thậm chí là 0%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang các thị trường kể trên là Dệt may, Da giày, Thủy sản, các sản phẩm nông sản, ….

Ông Hoàng kỳ vọng, các nhóm ngành này sẽ chứng kiến mức tăng điểm ấn tượng và thậm chí là dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong những ngành kể trên thường có mức vốn hóa không cao trong khi số lượng các doanh nghiệp đã niêm yết và được hưởng lợi thực tế cũng không nhiều. Bên cạnh đó, mức độ hưởng lợi giữa các doanh nghiệp được đánh giá là có sự phân hóa lớn. Vì vậy, sự nổi bật là không thể phủ nhận nhưng để dẫn dắt thị trường thì chỉ riêng các nhóm cổ phiếu trên có lẽ là chưa đủ sức.

Thông tư thay thế Thông tư 74 là “cú hích” quan trọng

Ông Hoàng chia sẻ quá trình rút ngắn thời gian giao dịch/thanh toán, nhìn chung, sẽ thuận tiện và giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư tham gia trên thị trường. Rất nhiều quốc gia trên thế giới (và cả thông lệ áp dụng từ lâu) đã giao dịch trong T+2 và thậm chí là T+0.

Do những tiện ích mà nó đem lại cho đông đảo người tham gia thị trường là giao dịch nhanh, giảm chi phí cơ hội, tăng cường quản trị rủi ro, cũng như góp phần làm tăng tốc độ lưu thông dòng tiền và dòng cổ phiếu trên thị trường nên Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC sẽ là "cú hích" quan trọng và hỗ trợ cho nhịp tăng trưởng của thị trường trong tương lai.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ nhà quản lý, các biện pháp giám sát, quy trình kiểm tra và năng lực quản lý là các yếu tố cần phải xem xét khi quyết định triển khai những điểm mới trên.

Mỹ Hà ghi