Chứng khoán Hy Lạp rớt thảm hơn 22% trong ngày đầu tiên giao dịch trở lại

Chứng khoán Hy Lạp rớt thảm hơn 22% trong ngày đầu tiên giao dịch trở lại

Thị trường chứng khoán Hy Lạp đã lao dốc dữ dội hơn 20% trong ngày thứ Hai khi giao dịch trở lại sau hơn 5 tuần đóng cửa.

* Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm sau tin xấu từ Trung Quốc

* Hy Lạp có thể cần khoản vay hơn 24 tỷ euro từ gói cứu trợ mới

* TTCK Hy Lạp mở cửa trở lại vào thứ Hai sau nhiều lần trì hoãn

 

Theo đó, chỉ số chứng khoán chính của Athens, Athex, đã rớt mạnh tới 22.87% trong ngày thứ Hai do đà rớt giá mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn chiếm 1/5 giá trị chỉ số. Cổ phiếu của 4 ngân hàng lớn nhất nước này là Piraeus, Alpha Bank, National Bank of Greece và Eurobank đồng loạt hạ thả phanh 30%, mức tối đa cho phép.

Khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp đã buộc các nhà chức trách tạm ngưng mọi hoạt động giao dịch vào cuối tháng 6 vừa qua nhằm chặn đứng nguy cơ sụp đổ. Nước này đã phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, bao gồm việc đóng cửa các ngân hàng và thị trường tài chính. Bên cạnh đó, lượng tiền rút qua thẻ ATM cũng bị giới hạn ở mức 60 EUR (66 USD)/ngày.

Các ngân hàng Hy Lạp đã mở cửa trở lại vào ngày 20/07 sau khi châu Âu đồng ý về nguyên tắc gói giải cứu mới nhưng lượng tiền rút ra vẫn bị giới hạn ở mức 420 EUR (455 USD)/tuần.

Các ngân hàng Hy Lạp đang trong tình trạng hết sức khó khăn khi phải nhờ vào lượng tiền mặt khẩn cấp từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để có thể duy trì hoạt động. Kế hoạch giải cứu mới trị giá 96 tỷ USD dành cho Hy Lạp bao gồm 26.7 tỷ USD để tái cấp vốn cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, thậm chí với gói giải cứu này, nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị tinh thần cho khoản thua lỗ lớn vì họ có thể phải đóng góp vào gói giải cứu ngân hàng.

Đó là vì theo yêu cầu của thỏa thuận giải cứu mới, Hy Lạp phải áp dụng các quy định tái cấu trúc ngân hàng của Liên minh châu Âu (EU). Hy Lạp cần có tiền trước ngày 20/08 khi nước này phải thanh toán khoản vay cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nếu muốn ở lại Eurozone. Kinh tế Hy Lạp đang bị tê liệt vì khủng hoảng. Số liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 7 đang đứng ở mức thấp kỷ lục.

Phước Phạm (Theo CNN Money)