Dệt may đi theo thị trường ngách

Dệt may đi theo thị trường ngách 

Muốn cạnh tranh được với Trung Quốc và có sự tăng trưởng về thị phần, Việt Nam phải chọn được thị trường ngách hợp lý mà người Việt có năng lực cạnh tranh tốt.

Tính đến 15-8, xuất khẩu ngành dệt may đạt 13,666 tỷ USD. Ảnh: Danh Lam.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dệt may từ đầu năm đến ngày 15-8 đạt 13,666 tỷ USD. Chỉ tính riêng tháng 7, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 12,7% đạt 2,393 tỷ USD.

Như vậy, với tốc độ này trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may hoàn toàn có thể đạt khoảng 15 tỷ USD như số liệu ước tính mà Tổng cục Thống kê mới công bố.

Xét về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất sản phẩm dệt may của Việt Nam, 7 tháng đầu năm xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 6,3 tỷ USD, chiếm tới 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước, tăng 13,24% so với cùng kỳ năm 2014. Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 của hàng dệt may Việt Nam, (chiếm 11,76% trong tổng kim ngạch, với trên 1,48 tỷ USD, tăng 5,19%); Tiếp theo là Hàn Quốc (chiếm 7,43%, với 937,75 triệu USD, tăng nhẹ 1,74% so cùng kỳ).

Xét về thị phần, hiện nay Việt Nam là quốc gia có thị phần lớn thứ hai tại Mỹ, đứng thứ hai tại Nhật Bản và thứ tư tại EU. Đó là 3 khu vực tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới và đáng mừng là dệt may Việt Nam đã đạt được vị trí tốt tại những khu vực này.

Có thể thấy, dệt may đã và đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được Nhà nước ưu tiên nhiều chính sách phát triển. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi các hiệp định thương mại tự do đều lấy ngành dệt may là ngành lợi ích cốt lõi như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)…

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, năm nay là một năm khá thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, khi quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại kết thúc, cơ hội cho ngành dệt may ngày càng nhiều hơn.

Ví dụ như khi TPP được ký kết và có hiệu lực, khoảng 1.000 dòng thuế nhập khẩu dệt may sẽ cắt giảm dần về 0%, thay vì 17-20% như hiện nay. Theo đó, các doanh nghiệp đã tính toán, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tăng lên mức 15%/năm, gần gấp đôi so với mức 7-8%/năm hiện tại.

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á-Âu, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên, và khoảng 20% trong năm tiếp theo. Trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, Việt Nam có thể vươn lên đạt mức kim ngạch xuất khẩu tương đương với các nước Bangladesh, Ấn Độ và nằm trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may vào Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Dù các hiệp định thương mại trên chưa chính thức đi vào thực hiện nhưng mục tiêu 27-27,5 tỷ USD của ngành dệt may trong năm nay vẫn có thể hoàn thành.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành dệt may sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tìm kiếm những thị trường mới, cơ hội mới, thỏa thuận ở mức cao với những tập đoàn lớn để có đơn hàng tập trung hơn trong những tháng cuối năm.

Theo ông Trường, do đặc thù địa chính trị, Việt Nam ở cạnh Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, với quy mô thị phần ở tất cả các thị trường thường chiếm tới 50%, thậm chí chiếm 70% thị trường Nhật Bản.

Vì thế, muốn cạnh tranh được với Trung Quốc và có sự tăng trưởng về thị phần, Việt Nam phải chọn được thị trường ngách hợp lý mà người Việt có năng lực cạnh tranh tốt.

Đó là lựa chọn đơn hàng dệt may đòi hỏi chất lượng, kỹ thuật cao; chọn đơn hàng có kích cỡ trung bình và nhỏ cho phù hợp với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ của Việt Nam để tấn công; loại hàng yêu cầu thời gian giao hàng nhanh để tập trung vào kỹ năng nghề của người lao động và giúp cho các dịch vụ của doanh nghiệp tiến xa hơn trong thị trường.

Phan Thu

Hải quan