Từ ngày 5-10, DN có thể tự chứng nhận xuất xứ

Từ ngày 5-10, DN có thể tự chứng nhận xuất xứ

Doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu D khi xuất khẩu sang Lào, Philippines, Indonesia và Thái Lan, thay vì phải đi xin cấp C/O như hiện nay, theo một thông tư do Bộ Công Thương ban hành, có hiệu lực từ ngày 5-10-2015.

DN có thể được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu qua một số nước ASEAN. Ảnh minh họa: Thu Nguyệt.

Theo website của Bộ Công Thương hôm 26-8, bộ này đã ban hành Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20-8-2015 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.

Theo đó, doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tức được tự khai báo xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu trên hóa đơn thương mại thay cho chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D. Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa này được áp dụng khi doanh nghiệp xuất khẩu sang bốn nước ASEAN là Lào, Philippines, Indonesia và Thái Lan.

Để được phép tự chứng nhận, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí. Cụ thể, doanh nghiệp phải là nhà sản xuất đồng thời là người xuất khẩu hàng hóa do chính doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp không vi phạm quy định về xuất xứ trong hai năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký, có kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu đô la Mỹ. Doanh nghiệp cũng phải có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp.

Để được cấp phép tự chứng nhận, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đến Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương,  hoặc đăng ký qua mạng Internet tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn, để được xem xét cấp văn bản chấp thuận với mã số tự chứng nhận riêng và danh sách các mặt hàng thương nhân được tự chứng nhận. Văn bản chấp thuận có giá trị trong vòng một năm kể từ ngày cấp và thương nhân được tự chứng nhận xuất xứ trong thời gian hiệu lực của văn bản chấp thuận, trừ trường hợp có hành vi vi phạm.

Doanh nghiệp được cấp văn bản chấp thuận phải đảm bảo một số trách nhiệm, trong đó có việc lưu trữ các hồ sơ, báo cáo và tài liệu để chứng minh hàng hóa tự khai báo đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo quy định hiện hành và các chứng từ liên quan trong thời gian ít nhất là 3 năm, kể từ ngày tự chứng nhận xuất xứ.

Doanh nghiệp được lựa chọn tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ vẫn có thể xin cấp C/O mẫu D thông thường, nếu muốn.

Trước đó, tại hội thảo về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác với Tổng cục Hải quan tổ chức vào trung tuần tháng 4 tại TPHCM, bà Lê Thị Hồng Ngọc, Phó trưởng phòng Cục Giám sát quản lý, Tổng Cục Hải quan, cho biết việc tự chứng nhận xuất xứ giúp doanh nghiệp linh hoạt, cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí hành chính. Tuy nhiên, có những rủi ro là doanh nghiệp có thể bị phạt nếu tuyên bố sai về xuất xứ hàng hoá do mắc lỗi, hiểu biết không đầy đủ quy tắc xuất xứ, hay cố ý gian lận.

Các nước ASEAN đang thí điểm cơ chế tự chứng nhận với hai dự án. Dự án thứ nhất được mở rộng cho các công ty thương mại - được Brunei, Malaysia, Singapore và Thái Lan tham gia từ năm 2010, 2011. Dự án thứ hai chỉ dành cho các công ty sản xuất - được Lào, Indonesia, Philippines tham gia từ năm 2012, 2013. Đến tháng 9-2014 Việt Nam mới chính thức tham gia cơ chế này theo dự án 2.

Trong hai dự án thí điểm của ASEAN, nhìn chung có khá ít doanh nghiệp tham gia, nhiều nhất là Malaysia với 133 doanh nghiệp, tiếp đến là Thái Lan với 114 doanh nghiệp, Singapore – 54, Brunei – 10, Indonesia – 10, Philippines – 3 và Lào – 2.

Cũng tại hội thảo này, ông Vương Đức Anh thuộc phòng xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu) cho biết lý do ít doanh nghiệp tham gia là vì những doanh nghiệp trong dự án 1 khi xuất khẩu sang nước khác trong ASEAN vẫn phải xin cấp C/O, hay Việt Nam cũng chỉ áp dụng cơ chế này khi xuất khẩu sang một số nước nhất định trong ASEAN, chứ không áp dụng khi xuất khẩu qua tất cả các nước ASEAN. Ngoài ra, đây là dự án thí điểm, do đó doanh nghiệp vẫn chần chừ vì lo ngại rủi ro có thể bị cơ quan hải quan từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan.

tbktsg