Chăn nuôi gia cầm với cú "sốc" lỗ gần 1.000 tỉ đồng

Chăn nuôi gia cầm với cú "sốc" lỗ gần 1.000 tỉ đồng

Thông tin về vụ kiện chống bán phá giá thịt gà Mỹ tại Việt Nam đã làm nóng các ngành sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, trong khi vụ kiện này chưa chính thức bắt đầu thì ngành chăn nuôi đang chịu một cú "sốc" lớn...

Ảnh minh họa

Mới chỉ là “tôi sẽ kiện”…

Vừa qua, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã chính thức đề nghị cơ quan chức năng tìm hiểu việc đùi và cánh của gà nhập khẩu Mỹ có bán phá giá hay không, khi giá sản phẩm này tại Việt Nam chỉ khoảng 20.000 đồng/kg.

Ngay sau đó, ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng cho biết Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã làm việc với Hiệp hội Xuất khẩu trứng và gia cầm Mỹ (USPEEC) để làm rõ thông tin này.

Phía USPEEC đã phản hồi: Giá cánh gà nhập khẩu từ Mỹ thấp nhất là 0,9 USD/kg (tương đương 20.160 đồng/kg), trong khi thuế nhập khẩu của nước ta là 20%, chưa kể các loại phí bảo quản, vận chuyển nửa vòng Trái đất để về Việt Nam. Do đó không thể có thịt đùi gà Mỹ bán với giá 20.000 đồng/kg ở các chợ cóc khu vực Đồng Nai và TPHCM được.

Cũng theo USPEEC, tại Mỹ có 13 bang có dịch cúm gia cầm, nên từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, nhiều nước đã ngừng nhập khẩu sản phẩm thịt gà từ các bang này. Thịt gà sản xuất ở 13 bang nói trên phải cho vào kho lạnh bảo quản, đến lúc hết hạn buộc phải tiêu hủy dưới sự kiểm soát của chính quyền và nếu bán thì giá gần như cho không.

Vậy mà “vẫn có thịt đùi gà Mỹ giá rẻ bán tại thị trường Việt Nam, cho thấy, đã có sự bắt tay giữa doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ để đưa lượng gà này về tiêu thụ. Đây chính là hành vi gian lận thương mại”, ông Trần Duy Khanh khẳng định.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Trưởng Phòng Phòng vệ thương mại, Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), về mặt nguyên tắc, một vụ kiện chống bán phá giá chỉ bắt đầu khi các doanh nghiệp nội địa gửi đơn kiện chính thức tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ở đây là Bộ Công Thương.

Trên thực tế, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai mới chỉ có công văn kiến nghị gửi tới Bộ Công Thương. Công văn này không phải là một đơn kiện với đầy đủ các bằng chứng chứng minh cùng với các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, với các động thái trên, các hiệp hội liên quan đến ngành chăn nuôi gia cầm mới chỉ là muốn khẳng định “tôi sẽ kiện” chứ chưa thực sự bắt đầu một vụ kiện chống bán phá giá thực thụ.

… cũng chưa có “nguyên đơn”

Cũng theo bà Nguyễn Thùy Dung, điều tra chống bán phá giá là một thủ tục bán tố tụng, tức là một nửa hành chính, một nửa tố tụng. Quy trình cụ thể được quy định trong Pháp lệnh 20/2004/PL-UBTVQH11 về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Khi một vụ kiện bắt đầu, tất cả các bên liên quan như các nhà sản xuất, các nhà xuất khẩu, các nhà nhập khẩu... sẽ phải tham gia quá trình điều tra này.

Các bên liên quan sẽ phải cung cấp thông tin mà cơ quan điều tra yêu cầu, tham gia điều trần trình bày lập luận, hợp tác trong xác minh.

Đối với vụ việc nghi ngờ bán phá giá thịt gà Mỹ tại Việt Nam, nếu vụ kiện chống bán phá giá được khởi xướng, thì các hiệp hội đã gửi công văn kiến nghị lên Bộ Công Thương sẽ là nguyên đơn.

Việc kiến nghị điều tra chống bán phá giá đối với gà thịt nhập khẩu là dấu hiệu có thể có của một vụ kiện. Nếu tiếp theo kiến nghị này là đơn kiện chính thức, với các nội dung đáp ứng yêu cầu của pháp luật về việc khởi kiện điều tra chống bán phá giá, thì vụ kiện mới có thể chính thức bắt đầu.

Vụ kiện này chưa thể bắt đầu vì chưa hề có “nguyên đơn”. Nhưng quan trọng hơn, các yếu tố để có thể khiến “nguyên đơn” vững vàng cầm đơn đi kiện cũng còn rất hạn chế. Việc tự “lặn lội” đi điều tra của các hiệp hội này cũng không hề dễ dàng.

Theo phát biểu của ông Trần Duy Khanh ngày 16/9 vừa qua, khi ông Khanh cùng đoàn công tác của VTV tới làm việc với Tổng cục Hải quan yêu cầu cung cấp danh tính đơn vị nhập khẩu cánh và đùi gà Mỹ thì không được đáp ứng.

Lý do Tổng cục Hải quan đưa ra là không được phép xâm phạm “bí mật doanh nghiệp”. Tuy nhiên, ngay ngày 17/9, Tổng cục Hải quan đã ra thông cáo báo chí bác bỏ ý kiến của ông Khanh.

Các thông tin liên quan đã được Tổng cục Hải quan cung cấp cho Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để làm rõ việc xác minh và đánh giá có hành vi bán phá giá mặt hàng này vào Việt Nam hay không.

Tất nhiên, nếu không có những thông tin chính thống từ các đơn vị chức năng thì các hiệp hội về chăn nuôi cũng chưa đủ tự tin để đứng đơn kiện.

Trong lúc đó, theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm đưa ra thì gần một năm qua người chăn nuôi đã lỗ gần 1.000 tỉ đồng.

Con số này cho thấy ngành chăn nuôi gia cầm đang phải chịu đựng một cú “sốc” lớn - điều mà nhiều ý kiến cho rằng đó là dấu hiệu không mấy khả quan cho ngành này trước “sóng lớn” Hiệp định T.P.P sắp tới.

Đỗ Hương

chính phủ