Quốc hội và TPP

Quốc hội và TPP

Dù ít dù nhiều, dù thảo luận trong một phiên nghị sự chính thức hay bên hành lang kỳ họp, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chắc chắn sẽ là một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp QH lần này.

Ngay trước ngày QH khai mạc (sáng nay - 20.10), có một thông tin khiến nhiều người sửng sốt. Đó là việc “Doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam được xếp hạng cao nhất trong khối TPP về mức độ tin tưởng và lạc quan vào hiệp định”.

Cụ thể, khảo sát của Tập đoàn Truyền thông Edelman cho thấy 93% số doanh nghiệp Việt Nam và 96% số người tiêu dùng ủng hộ TPP, tin tưởng rằng hiệp định sẽ giúp mang lại lợi ích đối với kinh tế.

Một giám đốc điều hành của Edelman còn “phiên” ý nghĩa của sự lạc quan này, rằng: Việt Nam đang được xem là một trong những quốc gia thắng lớn từ hiệp định.

Nhưng nói sửng sốt, là ở chỗ không nhiều người đọc bản tin về sự lạc quan này thấy có mình trong đó. Nói sửng sốt, là vì chỉ vừa tháng trước, khảo sát của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết 80% số DN được hỏi thiếu hẳn các kiến thức về hội nhập. Hoàn toàn không hề biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước.

Một ví dụ khác là Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm nay, nhưng 76% số DN còn đang “mơ ngủ”, thậm chí, chẳng biết gì về AEC.

Nếu chúng ta không biết gì mà vẫn lạc quan thì phải chăng đó là thứ lạc quan hão!

Trọng trách của QH lần này là không nhỏ, để chí ít “nguy cơ” TPP không trở thành hậu quả!

Chẳng hạn đối với các ngành công nghiệp đang nhập 60-80% nguyên liệu có nguồn gốc ngoại khối TPP, cử tri, nhân dân chờ đợi các giải pháp phát triển công nghiệp nguyên liệu để thuế suất 0% thực sự có ý nghĩa tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập, và thậm chí thoát khỏi sự lệ thuộc vào một số thị trường.

Chẳng hạn trong nông nghiệp, nguồn sống của 70% dân số, bên cạnh sự lạc quan khi hầu hết các dòng thuế đối với sản phẩm nông nghiệp sẽ về 0%, là nguy cơ của các cuộc đổ bộ giá rẻ từ gà Mỹ, sữa New Zealand, bò Australia… mà thậm chí, đã có những cảnh báo nghiêm túc về sự chết yểu của ngành chăn nuôi.

TPP chưa và không bao giờ đồng nghĩa sự lạc quan “sau một đêm tất cả đều rủng rỉnh dollar trong ví, có xe Camry 0% thuế để đi, iPhone giá bèo để gọi…”. Hoàn toàn không đồng nghĩa với gạo, cá, gỗ, áo quần, giày da… ào ạt đổ bộ sang Mỹ, Nhật Bản, Australia. Và vì thế, một chiến lược để cạnh tranh, một hàng rào kỹ thuật hay một nghị quyết để bảo vệ 70% dân số đang ở thế yếu trong hội nhập, trước TPP hoàn toàn không phải là chuyện lo bò trắng răng.

Đào Tuấn

lao động