Mario Draghi: ECB sẽ làm mọi cách để nâng lạm phát

Mario Draghi: ECB sẽ làm mọi cách để nâng lạm phát

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi, hôm 20/11 cho biết ECB chuẩn bị triển khai tất cả các biện pháp kích thích để đẩy lùi tình trạng lạm phát thấp, và nhiều khả năng ECB sẽ áp dụng thêm những chính sách tiền tệ khác tại cuộc họp tiếp theo của tổ chức này.

* ECB sẽ tạm dừng QE vào dịp Giáng sinh

 

MarketWatch cho biết, trong bài phát biểu tại một hội nghị ngành ngân hàng, ông Draghi đề cập cụ thể đến lãi suất tiền gửi vốn đã ở mức âm của ECB, tín hiệu cho thấy ECB có thể tiếp tục cắt giảm tỷ lệ lãi suất này xuống mức sâu hơn. Ông cũng nhấn mạnh đến sức mạnh của chương trình mua trái phiếu của ECB, tín hiệu cho thấy việc mở rộng chương trình này có thể là một phần của bất kỳ gói kích thích mới nào.

“Nếu kết luận rằng cán cân của những rủi ro đối với mục tiêu bình ổn giá trong trung hạn của mình đang bị nghiêng về hướng bất lợi, chúng tôi sẽ hành động bằng cách sử dụng tất cả những công cụ có sẵn trong quyền hạn của mình,” ông Draghi nói.

Những bình luận từ ông Draghi, được lặp lại bởi các quan chức hàng đầu khác của ECB, cho thấy sự ủng hộ trong số những quan chức cao nhất của ngân hàng trung ương này dành cho việc mở rộng chương trình nới lỏng định lượng và cắt giảm lãi suất tiền gửi sâu hơn nữa của họ.

Theo chương trình mua trái phiếu được ECB đưa ra hồi tháng 3, ngân hàng trung ương này hiện đang mua 60 tỷ EUR (64.41 tỷ USD) mỗi tháng cho hầu hết các trái phiếu Chính phủ. Theo kế hoạch, chương trình sẽ hoạt động ít nhất đến hết tháng 9/2016, nhưng nhiều nhà phân tích kỳ vọng ECB sẽ kéo dài chương trình này.

ECB xem trái phiếu “là một công cụ mạnh và linh hoạt, vì nó có thể được điều chỉnh về quy mô, thành phần, hay thời hạn để đạt được vị thế của một chính sách có tính khuyến khích mở rộng kinh tế hơn,” ông Draghi nói. Và lãi suất tiền gửi, hiện đang ở mức -0.2%, “cũng có thể giúp chương trình mua tài sản được thành công, đặc biệt là bằng cách tăng tốc độ luân chuyển các nguồn dự trữ ngân hàng”.

Biên bản cuộc họp hôm 22/10 của ECB cho thấy các nhà thiết lập lãi suất tiền gửi lo lắng rằng các biện pháp kích thích của mình đã không đủ đem lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế châu Âu, khiến họ phát đi tín hiệu rằng nhiều khả năng sẽ có thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ để giữ cho lạm phát không ở mức quá thấp trong một thời gian quá dài.

Ngoài những lời phát biểu của ông Draghi, kinh tế gia trưởng Peter Praet cũng đề cập đến những rủi ro ngày càng cao khi lạm phát tiếp tục thấp hơn mức mục tiêu dưới 2% của ngân hàng trung ương lâu hơn dự tính trước đó. Những dữ liệu gần đây nhất cho thấy lạm phát trong tháng 10 vừa qua đã cao hơn 0.1% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo hiện tại của ECB, mức lạm phát trung bình trong năm 2017 chỉ là 1.7%. ECB sẽ tiết lộ những dự báo mới dành cho tăng trưởng và lạm phát vào thứ Năm tuần này.

Các ngân hàng trung ương thường cố gắng duy trì lạm phát ở mức thấp. Nhưng khi chỉ báo này quá gần với mức 0%, hay nếu giá cả tiêu dùng cứ giảm dần, thì người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thể trì hoãn tiêu dùng và đầu tư, khiến cho các món nợ trở nên khó trả hơn. Vì lý do này, các ngân hàng trung ương lớn như ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) luôn nhắm đến mục tiêu lạm phát quanh mức 2%.

“Nếu xác định rằng quỹ đạo chính sách hiện thời của chúng tôi không đủ để đạt được mục tiêu đó thì chúng tôi sẽ làm những gì phải làm để nâng mức lạm phát lên càng nhanh càng tốt,” ông Draghi nói.

Tuy nhiên, các bình luận từ những thành viên khác của ECB lại cho thấy ông Draghi có thể không nhận được sự ủng hộ của tất cả 25 thành viên trong Hội đồng điều hành ECB đối với việc mở rộng gói kích thích tiền tệ. Chẳng hạn như, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Estonia, Ardo Hansson, trong cuộc phỏng vấn tuần trước trên tờ The Wall Street Journal, đã nói rằng “không có lý do gì để ECB phải hạ lãi suất”.