VDS: “Cửa tăng lãi suất vào năm 2016 đang lớn dần”

VDS: “Cửa tăng lãi suất vào năm 2016 đang lớn dần”

Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDS), lãi suất có thể đi theo một chu kỳ mới và nhích nhẹ dần lên từ quý 3/2016 đến cuối năm với kỳ vọng từ 25 – 50 điểm phần trăm. Ngoài ra, tiền đồng có thể phá giá khoảng 3 – 4%. Tuy nhiên, nếu tỷ giá biến động mạnh hơn và gây áp lực đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, điều này sẽ gây gián tiếp cho lãi suất tăng nhanh và nhiều hơn so với kỳ vọng.

Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 11/2015 tăng 14.5% so với đầu năm và là mức cao nhất kể từ 2011 đến nay. Mức tăng chung phản ánh sự tích cực về nhu cầu vốn trên diện rộng, trong đó có sự đóng góp của nhân tố lãi suất. Theo NHNN, lãi suất cho vay điểm cơ bản các kỳ hạn đều giảm 20 đến 35 điểm cơ bản, xuống 7.8% với kỳ hạn ngắn và 9.9% đối với cho vay trung – dài hạn. VDS ước tính tỷ lệ tín dụng/GDP năm 2015 khoảng 114%, tương đương 2010 và là mức cao nhất kể từ 2006 đến nay. Có thể nói, lãi suất đóng góp quan trọng vào sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng.

Hơn nữa, các doanh nghiệp đi vay được hưởng lợi từ lãi suất thấp. Cụ thể, vốn đầu tư trong khu vực tư nhân ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong ba quý đầu năm, với mức tăng khả quan 9.2%, cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 6.3% giai đoạn 2012 – 2014.

Ngoài ra, thanh khoản ngân hàng dồi dào duy trì lãi suất ổn định. Có thể thấy trong 11 tháng đầu năm 2015, dù hoạt động cho vay ghi nhận mức tăng trưởng cao, thanh khoản trên các thị trường tiền tệ vẫn duy trì khá dồi dào và ổn định. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng dao động từ 2 – 4% trong năm với doanh số giao dịch bình quân khoảng 7,600 tỷ đồng, giảm 10% so với 2014. Dòng chảy vốn thông qua kênh bơm/hút ròng trên thị trường OMO diễn ra sôi động, đạt bình quân 6,565 tỷ đồng/tuần trong 11 tháng 2015, gấp 3 lần so với mức bình quân năm 2014.

Về dự báo năm 2016, theo báo cáo triển vọng giá hàng hóa quý 4/2015 của World Bank, diễn biến giá của phần lớn các loại hàng hóa chính đặc biệt là giá dầu sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ trong năm 2016. Nhân tố chính sẽ kéo lạm phát tăng là các chi phí mặt hàng cơ bản như điện, nước, viện phí, học phí dự kiến được điều chỉnh vào 2016 sẽ gây áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng. Ngoài ra, triển vọng tiêu dùng nội địa tiếp tục khả quan cũng là yếu tố thúc đẩy tổng cầu.

Cùng quan điểm này, theo dự báo của Goldman Sachs, mức lạm phát năm 2016 của Việt Nam sẽ tăng trở lại do tác động từ chi phí đẩy và cầu kéo. Mức ảnh hưởng của lạm phát lên lãi suất được dự báo khoảng 5% cho cả năm 2016.

Mặt khác, tỷ lệ trúng thầu TPCP giảm mạnh, ghi nhận mức trúng thầu thấp kỷ lục 18.4% trong tháng 05/2015. Tính chung 11 tháng đầu năm, tỷ lệ trúng thầu bình quân chỉ đạt 60%. Điều này tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất trúng thầu TPCP, đặc biệt là trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang đối mặt với khó khăn.

Yếu tố bên ngoài như việc Fed quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua sau khi nền kinh tế Mỹ cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Tuy nhiên, dự báo gần đây của Goldman Sachs cho rằng, Fed nâng lãi suất hầu như không ảnh hưởng đến chính sách lãi suất của các nền kinh tế lớn ở châu Á trong năm 2016. Đối với Việt Nam, VDS cho rằng điều này sẽ tác động thuận chiều lên chính sách tiền tệ hơn là nghịch chiều nhưng có độ trễ từ 6 tháng đến 1 năm. Kỳ vọng việc điều chỉnh có thể xảy ra cuối năm 2016 với mức tăng khoảng 25 – 50 điểm cơ bản.

Theo nhận định của VDS, lãi suất có thể đi theo một chu kỳ mới và nhích nhẹ dần lên từ quý 3/2016 đến cuối năm với kỳ vọng từ 25 – 50 điểm phần trăm. Ngoài ra, tiền đồng có thể phá giá khoảng 3 – 4%. Tuy nhiên, nếu tỷ giá biến động mạnh hơn và gây áp lực đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, điều này sẽ gây gián tiếp cho lãi suất tăng nhanh và nhiều hơn so với kỳ vọng./.