Chứng khoán toàn cầu chìm vào “thị trường con gấu”

Chứng khoán toàn cầu chìm vào “thị trường con gấu”

Lo sợ đang bao trùm các thị trường chứng khoán toàn cầu

Chỉ số của các thị trường chứng khoán toàn cầu đã chính thức rơi vào thị trường con gấu trong tuần này với mức sụt hơn 20% so với đỉnh cao gần đây.

Niềm tin NĐT vào các NHTW sắp "cạn", chứng khoán toàn cầu tiến sát tới thị trường "con gấu"

Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI “chạm trán” thị trường con gấu

 

Theo CNN Money, đà giảm sâu của chỉ số MSCI All-Country World Index cho thấy tâm lý hoảng sợ bao trùm các tài sản rủi ro trong những tuần gần đây. Hiện nhà đầu tư đang rất căng thẳng về giá dầu rẻ, nguy cơ suy thoái toàn cầu và khả năng các ngân hàng lớn phải đương đầu với những yếu tố đầy bất lợi và có sức ảnh hưởng to lớn này.

“Các sự kiện trong 6 tuần vừa qua rõ ràng là một cú sốc đối với nhà đầu tư”, Barclays cho biết trong báo cáo nghiên cứu công bố ngày thứ Sáu (12/02). Ngân hàng này cho biết thêm: “Phạm vi và mức độ của đợt bán tháo đã gia tăng rủi ro rằng sự biến động trên các thị trường tài chính có thể lan sang nền kinh tế thực”.

Hiện nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đã bước vào thị trường con gấu, chẳng hạn như Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nhật Bản.

Trong khi đó, cho tới thời điểm hiện tại, thị trường Mỹ vẫn chưa vướng vào danh hiệu này. Tuy nhiên, cả Dow Jones và S&P 500 đều đã giảm khoảng 13% so với mức đỉnh gần đây và Nasdaq cũng đã rớt 17%.

Tương tự các chỉ số chứng khoán nổi tiếng nói trên, MSCI All-Country World Index bao gồm các cổ phiếu lớn của Mỹ như Apple và ExxonMobil. Thế nhưng chỉ số này cũng phản ánh diễn biến của hàng trăm cổ phiếu tại các thị trường phát triển như Đức và Australia cũng như các cổ phiếu lớn tại các thị trường mới nổi.

Đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu nguyên vật liệu thô, vốn là động lực tăng trưởng của nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi như Brazil, Nga và Nam Phi. Đứng dầu danh sách các nguyên vật liệu này là dầu thô, nhiên liệu đã lao xuống mức thấp nhất trong gần 13 năm vào tuần này.

“Đà lao dốc của giá dầu và tăng trưởng ngày càng chậm tại Trung Quốc chính là các trở ngại thực sự đối với các thị trường mới nổi”, nhận định của ông Peter Kenny, một nhà chiến lược thị trường độc lập và người sáng lập chuyên mục Bình luận của Kenny.

Cổ phiếu tại các thị trường phát triển hơn cũng đã chịu tác động nặng nề từ đà sụp đổ của giá dầu cũng như mối lo lắng gần đây về sức khỏe của các ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng tại châu Âu.

Thêm vào đó, các ngân hàng trung ương dường như không giúp ích được gì. Việc các ngân hàng trung ương lớn sẵn sàng áp dụng các chính sách không có tiền lệ đang khiến triển vọng toàn cầu trở nên bất ổn.

Tất cả những điều đó đã dẫn đến câu hỏi rằng: Liệu Mỹ cũng rơi vào thị trường con gấu?

Về vấn đề này, các chuyên gia vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng dù vẫn có lý do để lạc quan khi Dow Jones phục hồi hơn 200 điểm vào ngày thứ Sáu sau một tuần khá bấp bênh.

“Chỉ vì thị trường toàn cầu đã rơi vào thị trường con gấu không có nghĩa là chúng ta cũng sẽ như vậy. Điều đó chỉ có nghĩa là chặng đường phía trước sẽ gập ghềnh hơn”, nhận định của ông Kenny./.