Góc nhìn 02/02: Thận trọng trước kỳ nghỉ lễ

Góc nhìn 02/02: Thận trọng trước kỳ nghỉ lễ

Về dài hạn, VN-Index vẫn đang vận động trong một xu hướng giảm được hình thành từ tháng 11/2015 đến nay. Sức cầu yếu như hiện nay khả năng thị trường sẽ giao dịch trong tuần cuối cùng của năm âm lịch với thanh khoản giảm dần nhưng chỉ số sẽ tăng. Vì thế, cơ hội trading T+ đã giảm đi rất nhiều nhưng lại là cơ hội tích lũy cổ phiếu đón kết quả kinh doanh năm 2015 đạt và vượt kế hoạch.

Thận trọng giải ngân trước kỳ nghỉ lễ

CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Áp lực bán ra tăng mạnh về cuối phiên tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips khiến cả hai chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Giao dịch diễn ra lình xình, thanh khoản cùng sụt giảm trên cả 2 sàn một phần chịu ảnh hưởng bởi tâm lý nghỉ Tết sớm. Những bất ổn từ kinh tế Trung Quốc và giá dầu hiện tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực lên TTCK Việt Nam khiến cả 2 chỉ số giảm điểm trở lại. Đáng chú ý nhóm cổ phiếu dầu khí chịu áp lực bán ra khá mạnh sau khi giá dầu giảm trở lại.

Thời điểm này khá nhạy cảm khi kì nghỉ lễ dài ngày sắp tới, kết hợp với những bất ổn đến từ Trung Quốc và giá dầu khiến việc mua vào trong ngắn hạn là khá rủi ro. Nhà đầu tư chỉ nên giải ngân thăm dò tại những mã cổ phiếu được dự báo có KQKD cuối năm tốt đã giảm về vùng giá hấp dẫn.

VN-Index tăng nhưng thanh khoản thấp dần

CTCK IVS (IVS):  Thanh khoản sụt giảm trong bối cảnh giá đóng cửa trùng với giá thấp nhất trong phiên cho thấy hiện tượng chốt lời trên diện rộng và sức cầu yếu, nhà đầu tư có thể đang kỳ vọng ở mức giá tốt hơn. Các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục cho tín hiệu hồi phục, chỉ báo MACD Histogram tiếp tục dương phiên thứ 3 liên tiếp mặc dù MACD và đường tín hiệu vẫn nằm dưới đường 0, chỉ báo ADX giảm xuống mức 38 thể hiện xu hướng giảm trước đó đang suy yếu.

Về dài hạn thì VN-Index vẫn đang vận động trong một xu hướng giảm được hình thành từ tháng 11/2015 đến nay, khoảng trống (gap) giảm giá đã được lấp, mức hỗ trợ mạnh mẽ là 513 điểm và đã hình thành vùng đáy ngắn hạn ở 520 điểm. Tuy nhiên, do sức cầu yếu nên cho dù VN-Index có hồi về ngưỡng 551- 564 điểm hay không thì cơ hội không đến với tất cả các nhóm cổ phiếu mà chỉ tập trung riêng lẻ vào một số cổ phiếu có game riêng hay cổ phiếu trụ dẫn dắt chỉ số.

Khả năng thị trường sẽ giao dịch trong tuần cuối cùng của năm âm lịch 2015 với thanh khoản giảm dần (do NĐT sẽ giảm phần chi phí margin) nhưng chỉ số sẽ tăng. Chỉ số tăng đi kèm thanh khoản không tăng nên cơ hội trading T+ đã giảm đi rất nhiều nhưng lại là cơ hội tích lũy cổ phiếu đón kết quả kinh doanh năm 2015 đạt và vượt kế hoạch.

Hạ tỷ trọng nếu VN-Index không vượt 540 – 545

CTCK Ngân hàng Vietinbank (CTS): Kỳ nghỉ Tết đang đến khiến tâm lý thận trọng bao trùm. Giao dịch giằng co, khối lượng sụt giảm đáng kể so với phiên trước. Chỉ số đang ở trong xu hướng giằng co tích lũy tại 540-545 với VN-Index và 77-77.5 với HNX-Index. Nhà đầu tư đã giải ngân trong các phiên trước nên quan sát thị trường, nếu chỉ số không vượt được vùng 540-545 thì có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu trong phiên tăng với lực cầu yếu và mua lại ở mức giá thấp hơn. 

Chờ nhịp điều chỉnh tại khu vực 530 điểm

CTCK FPT (FPTS): Tín hiệu suy yếu phát đi sau phiên 01/02 không quá tiêu cực do điểm thấp nhất của phiên chưa vượt xuống dưới thân nến của phiên liền trước đồng thời thanh khoản có dấu hiệu sụt giảm mạnh. Đây là tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ âm lịch do đó dòng tiền yếu dần do bị rút khỏi thị trường. Hiện tượng này sẽ là điểm hạn chế lớn nhất đối với chỉ số khi đối diện các ngưỡng kháng cự mạnh điển hình như mức 550 điểm.

Nếu chỉ số có thể xuyên phá mức 550 điểm nhưng hiện tượng thanh khoản giảm dần vẫn không được khắc phục thì khả năng đi xa hơn của nhịp hồi phục lần này không được đánh giá cao. Theo đó, mục tiêu cuối của đợt hồi phục sẽ tập trung ở mức 555 điểm và sẽ xảy ra hiện tượng điều chỉnh mạnh. Nhịp điều chỉnh từ đỉnh 555 điểm về khu vực hỗ trợ 530 điểm là kịch bản hợp lý để đánh giá cơ hội quay lại thị trường trong ngắn hạn./.