Phân tích kỹ thuật nhóm Cổ phiếu Thực phẩm-Đồ uống

Phân tích kỹ thuật nhóm Cổ phiếu Thực phẩm-Đồ uống

Các cổ phiếu ngành Thực phẩm-Đồ uống nhìn chung đã có sự điều chỉnh đáng kể trong thời gian vừa qua. Bài viết này sẽ cung cấp các nhận định ở góc nhìn phân tích kỹ thuật về xu hướng của các cổ phiếu nhóm ngành này.

Chỉ số ngành Thực phẩm-Đồ uống - Tiếp tục quá trình tăng trưởng dài hạn

Chỉ số VS-Food&Drink hình thành xu hướng tăng dài hạn từ 2009 cho tới nay khi tạo các đỉnh đáy sau cao hơn đỉnh đáy trước. Nhiều tín hiệu cho thấy xu hướng tăng vẫn đang duy trì.

Thứ nhất, giá vẫn ở trên nhóm MA dài hạn (SMA50, SMA200) và đang khá gần nhóm MA này nên sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh.

Thứ hai, ở góc nhìn sóng Elliott, chỉ số vẫn đang ở sóng C tăng điểm (nếu vùng 135-145 điểm không bị phá vỡ). Mục tiêu là vùng 190-195 điểm (độ dài sóng C= độ dài sóng A).

Phân tích cổ phiếu nổi bật

KDC – CTCP TẬP ĐOÀN KIDO

Tín hiệu kỹ thuật: Diễn biến từ tháng 11/2014 cho tới nay cho thấy KDC đang điều chỉnh lớn.

Vùng 19,900-22,000 sẽ là vùng đáng chú ý trong ngắn hạn khi trùng với mức 61.8% của dãy Fibonacci Projection và mẫu hình nến đảo chiều mạnh xuất hiện tại vùng này.

Tuy vậy, do khối lượng liên tục sụt giảm mạnh nên khả năng sụt giảm vẫn còn và việc mua mạnh cổ phiếu này không được khuyến khích.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư ngắn hạn nên canh mua nhẹ trong các nhịp điều chỉnh về lại đáy cũ ngày 18/01/2016 (vùng 20,000-21,500)

MSN – CTCP Tập Đoàn Masan

Tín hiệu kỹ thuật: Ở góc nhìn sóng Elliott, MSN rất đáng chú ý khi giai đoạn điều chỉnh kể từ 2011 cho tới gần đây có thể đang ở giai đoạn cuối. Nếu đáy cũ tháng 12/2015 tiếp tục trụ vững trong thời gian tới thì quan điểm tích cực về cổ phiếu này vẫn được giữ.

Ngoài ra, chỉ báo MACD vẫn chưa phá vỡ trendline hỗ trợ cho thấy xu hướng tăng có thể đang quay trở lại.

Trendline dài hạn (vùng 66,000-68,000) sẽ tiếp tục là vùng hỗ trợ mạnh nếu giá có điều chỉnh sâu trong thời gian tới.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư ngắn hạn có thể canh mua lướt sóng tại vùng 70,000-73,000 với mục tiêu ngắn hạn là 81,000-85,000.

VNM – CTCP Sữa Việt Nam

Tín hiệu kỹ thuật: VNM điều chỉnh kể từ tháng 11/2015 cho tới nay với sóng đi dạng ZigZag theo lý thuyết Elliott.

Tuy vậy, xu hướng tăng dài hạn của cổ phiếu vẫn duy trì do vẫn chưa phá vỡ trendline hỗ trợ (tương đương vùng 109,000-114,000).

Các phân kỳ giá lên của nhóm momentum cũng đang hình thành trong vùng oversold nên rủi ro được hạn chế.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể canh mua vào trong vùng 109,000-114,000 (cận dưới kênh giá xuống và trendline dài hạn)