Có thể quay vòng vé nếu nhân viên cố tình!

Có thể quay vòng vé nếu nhân viên cố tình!

Đó là nhận định của một chuyên gia trong lĩnh vực BOT trước nghi vấn về hiện tượng quay vòng vé tại trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trong khi trưởng trạm thu phí này cho rằng cuống vé có mã vạch hay không đều được.

Sau khi có thông tin từ độc giả, PV Báo Lao Động đã liên hệ Phạm Văn Khôi – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành - một trong 3 đơn vị góp vốn vào dự án này. Ông Khôi cho biết đang đi công tác và chuyển đầu mối liên hệ tới một người tên Cường - Trưởng trạm thu phí Pháp Vân Cầu Giẽ.

Khi PV đặt các vấn đề nghi vấn về hiện tượng quay vòng vé cũng như có hay không cần mã vạch tại cuống vé, ông Cường cho biết "mã vạch là của cuống vé sử dụng công nghệ ngày xưa" và để mỗi lần quét vào máy kiểm soát thì hiện ra số tiền nhập vào hệ thống, còn nay khi dự án này sử dụng công nghệ cao hơn thì mã vạch không cần nữa.

Khi được hỏi tại sao không cần vẫn còn mã vạch trên vé, ông này giải thích là do trong quá trình đặt in thì nhà in vẫn sản xuất ra vé có mã vạch.

Vấn đề minh bạch trong quá trình hoàn vốn BOT đang được nhiều người đặt ra.

Ông Cường khẳng định trạm thu phí này chỉ quản lý vé bằng serie và việc cuống vé có mã vạch hay không không quan trọng và đó không phải là tiêu chí để kiểm soát hay xác định "vé xịn" hay giả. Ông này cũng không đưa ra thời điểm cụ thể của việc chuyển đổi công nghệ khiến mã vạch có cũng như không.

Liên quan tới vấn đề kiểm soát nguy cơ quay vòng vé, ông Cường cho  biết quy trình kiểm soát vé như sau khách hàng về cơ bản sẽ lấy vé một số ít khách hàng không có nhu cầu lấy cuống vé thì vé đó vẫn được xé và huỷ ngay tại chỗ vào cuối ca trong từng cabin để đảm bảo tính hợp lý hợp lệ trong quá trình thu phí và vấn đề kiểm soát nội bộ được thực hiện qua camera. Ông này cũng khẳng định kiểm soát 100% vé phát ra và cuống vé thu về và liên quan tới vụ việc khách hàng phản ánh, ông Cường cho biết sẽ cho kiểm tra và phản hồi lại sau.

Hơi trái ngược với thông tin ông Cường cung cấp, một chuyên gia về lĩnh vực BOT lại cho biết mã vạch phục vụ cho thu phí 1 dừng, để máy đọc số series, các thông tin liên quan thể hiện qua mã vạch, khi quét qua máy vé đó không được sử dụng được nữa và đây là công nghệ mới. Tuy nhiên, chuyên gia này cho hay việc giao cuống vé có mã vạch hay không mã vạch là không quan trọng nhưng nhận định với các trạm thu phí sử dụng vé in sẵn như Pháp Vân - Cầu Giẽ việc quay vòng vé là hoàn toàn có thể xảy ra nếu nhân viên thu phí cố tình.

Theo ông này, nếu khách hàng qua trạm không lấy cuống vé in sẵn thì cuống vé đó hoàn toàn có thể tái sử dụng cho khách hàng khác để gian lận. Còn với các trạm thu phí sử dụng cuống vé in trực tiếp tại chỗ, nguy cơ này gần như không có vì cuống vé in trực tiếp sẽ hiện ra ngày giờ thu phí và khó có thể xảy ra gian lận.

Trên thực tế, hiện nay tại nhiều dự án BOT, việc kiểm soát quá trình thu phí, hoàn vốn đang khá lỏng lẻo và phụ thuộc nhiều vào chính sự kiểm soát nội bộ của dự án. Điều này khiến nhiều người lo ngại về tính minh bạch trong hoàn vốn, thất thoát tiền ngân sách cũng như góp phần làm tăng phí và kéo dài thời gian thu phí của dự án.

Khánh Hòa

Lao động