Mặt hàng nào sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ TPP?

Mặt hàng nào sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ TPP?

Việc đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với một số chủng loại nông sản mà Mỹ và một số nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thế mạnh sẽ tạo sức ép cạnh tranh khá lớn cho Việt Nam, theo tờ trình Chính phủ để chuẩn bị cho việc phê chuẩn TPP.

Trái cây nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh minh hoạ: Thu Nguyệt

Theo tờ trình này, do Bộ Công Thương chuẩn bị vào cuối tháng 4-2016, bên cạnh những cơ hội, bộ này cũng nêu ra và phân tích một số thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải chủ động nỗ lực đổi mới trong nước để vượt qua, trong đó có thách thức về kinh tế, xã hội.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho rằng, một số chủng loại nông sản mà Mỹ và một số thành viên khác trong TPP (Úc, New Zealand, Chi Lê) có thế mạnh, nổi bật là thịt gà, thịt heo, sẽ tạo sức ép cạnh tranh khá lớn khi thuế được đưa về 0%. Đây là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, với hai mặt hàng này Việt Nam bảo lưu được lộ trình thực hiện tương đối dài (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm) – lộ trình này dài hơn nhiều so với cam kết mở cửa thị trường trong ASEAN vốn cũng rất cạnh tranh trong việc sản xuất một số loại thịt (Thái Lan xuất khẩu trung bình khoảng 4,5 tỉ đô la Mỹ thịt gà/năm).

Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn, nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn các sản phẩm này, nên doanh nghiệp trong nước cũng đã quen với cạnh tranh. Đó là sản phẩm sữa, đậu tương, bắp và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc. Ngoài ra, trên thực tế, đối với sữa và thịt bò, Việt Nam cũng đã có cam kết mở cửa với Úc và New Zealand trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand.

Theo Bộ Công Thương, với bốn nhóm hàng nông nghiệp Việt Nam đang áp dụng hạn ngạch thuế quan thì việc tham gia TPP dự kiến không gây ra tác động lớn. Cụ thể, với đường, muối và trứng gia cầm, Việt Nam duy trì được hạn ngạch thuế quan với lượng tương tự như khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Với thuốc lá, Việt Nam chỉ mở cửa sau lộ trình 20 năm kể từ khi TPP có hiệu lực.

Theo Bộ Công Thương, để vượt qua thách thức, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp – chăn nuôi, Chính phủ sẽ phải hết sức nỗ lực, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ,… để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đủ sức đứng vững tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, có một số sản phẩm công nghiệp mà các nước TPP có thế mạnh cũng được đánh giá là có thể gây khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp trong nước, như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong 10-15 năm nữa, sản phẩm của Việt Nam cũng vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Với một số sản phẩm các nước TPP có sản xuất mà Việt Nam đang áp mức thuế nhập khẩu cao, việc hạ thuế về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, chứ không gây sức ép cạnh tranh, đó là bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại (chủ yếu là đồ bếp), điều hòa không khí, đồ nội thất, xe mô tô phân khối lớn, rượu, thuốc lá.

Ngoài ra, việc cạnh tranh gia tăng khi tham gia TPP có thể làm một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu, rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nên ngoại trừ một số sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này có tính cục bộ và quy mô không đáng kể, ngắn hạn.

Việt Nam cam kết trong TPP sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66%% số dòng thuế ngay khi hiệp định này có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm từ khi TPP có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu 5-10 năm. Đối với mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam yêu cầu lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Chẳng hạn như, ô tô con dưới 3.000 phân khối, thịt gà, sắt thép có lộ trình 10 năm hoặc trên 10 năm, thịt heo có lộ trình 7-9 năm. Với ô tô đã qua sử dụng, Việt Nam áp hạn ngạch thuế quan, chỉ cho phép miễn thuế nhập khẩu cho một số lượng nhỏ (150 chiếc/năm). Cơ chế phân bổ hạn ngạch sẽ được thiết kế chặt chẽ để quản lý.

 

T.Thu

TBKTSG