Trung Quốc chưa có kinh tế thị trường, Việt Nam coi chừng “án lệ”

Trung Quốc chưa có kinh tế thị trường, Việt Nam coi chừng “án lệ”

Ngày 12- 5-2016, Nghị viện châu Âu (European Parliament - EP) đã thông qua nghị quyết về quy chế kinh tế thị trường đối với Trung Quốc - Nghị quyết số 2016/2667 (RSP). Tại sao EU phải ra nghị quyết này? Nó có ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ thương mại Trung Quốc - EU? Nó có liên quan hoặc hệ lụy gì với Việt Nam không?

EU đang duy trì 73 lệnh áp thuế chống bán phá giá, trong đó 56 lệnh là đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong tất cả 56 vụ điều tra đó, EU đều coi Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường.

Không giống như những gì hầu hết truyền thông trong nước tuần rồi đưa tin, trước hết, cần phải nói rõ nghị quyết này không phải là một văn bản pháp quy. Trang tin của Nghị viện châu Âu giải thích đây là một nghị quyết không mang tính lập pháp (non-legislative resolution), và như vậy đây không phải là văn bản pháp luật để cơ quan chức năng của Liên hiệp châu Âu - EU (cụ thể là Ủy ban châu Âu - EC) thực thi ngay. Nghị quyết này chỉ đưa ra chỉ đạo rằng cho đến khi nào Trung Quốc đáp ứng được một cách đầy đủ các tiêu chí theo luật định của EU về kinh tế thị trường thì mới thực sự trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Từ nay cho đến khi đó (đủ điều kiện để công nhận), nhất là sau ngày 12-12-2016, EU cần phải ban hành văn bản pháp luật để cụ thể hóa chỉ đạo này, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo rằng văn bản pháp luật đó không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

15 năm kinh tế phi thị trường

Năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập WTO, Trung Quốc và các nước thành viên WTO đã thỏa thuận rằng, trong vòng 15 năm tính từ ngày gia nhập (tức đến hết ngày 11-12-2016), các nước thành viên WTO có thể đối xử với Trung Quốc như là một nước có nền kinh tế phi thị trường trong các cuộc điều tra chống bán phá giá.

Điều này được quy định rõ ràng và cụ thể tại điều 15, Nghị định thư về việc Trung Quốc gia nhập WTO. Có nghĩa là cho đến ngày 11-12-2016, các nước thành viên WTO có toàn quyền không sử dụng phương pháp so sánh giá theo quy định của WTO trong tính toán thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Hay nói cách khác, các thành viên WTO có toàn quyền sử dụng phương pháp khác, hay còn gọi là phương pháp “kinh tế phi thị trường” để làm việc đó. Phương pháp này cho phép họ sẽ lấy giá của một nước thứ ba để thay thế cho giá và chi phí của Trung Quốc trong quá trình tính toán thuế chống bán phá giá. Phương pháp này dễ dàng thổi phồng biên độ bán phá giá và theo đó, đẩy mức thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc lên cao.

Vì lẽ đó, trong 15 năm qua, các nước liên tục sử dụng phương pháp “kinh tế phi thị trường” trong điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc thường xuyên phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao. Một phần là vì hàng hóa của Trung Quốc có giá rất rẻ và cũng không loại trừ các doanh nghiệp Trung Quốc đã thực sự bán phá giá sản phẩm của mình để chiếm lĩnh thị trường các nước. Nhưng mặt khác cũng phải công nhận rằng phương pháp bất lợi “kinh tế phi thị trường” cũng là một nguyên nhân không nhỏ đẩy thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc lên rất cao trong các vụ điều tra.

EU đang duy trì 73 lệnh áp thuế chống bán phá giá, trong đó 56 lệnh là đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong tất cả 56 vụ điều tra đó, EU đều coi Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường.

Tuy nhiên, câu chuyện này sẽ có bước ngoặt đáng kể vào ngày 12-12-2016, là thời điểm kết thúc giai đoạn 15 năm nói trên.

Điều khó khăn cho các nước (nhất là các thành viên có nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào hàng hóa Trung Quốc như Mỹ, EU...) là nền kinh tế của họ đang khá ảm đạm, trong khi hàng hóa Trung Quốc vẫn có rất nhiều lợi thế giá rẻ và cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa của họ tại chính thị trường nước họ.

Có vẻ như 15 năm trước, trên bàn đàm phán, nhiều quốc gia thành viên đã không dự liệu được tình huống như hiện nay và cũng không dự liệu được là 15 qua, Trung Quốc vẫn chưa có những cải cách đột phá về thể chế kinh tế để tiến tới một nền kinh tế thị trường thực thụ.

... đọc tiếp tại đây

tbktsg